Rộng mở thị trường cho doanh nghiệp địa phương
(BDO) Thời gian qua, Bình Dương chú trọng các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại (XTTM), mở rộng thị trường trong nước và quốc tế đối với các sản phẩm thế mạnh của tỉnh ở cả kênh trực tiếp lẫn trực tuyến.
Chuyên sâu các lĩnh lực chủ lực
Năm 2023, các hoạt động XTTM đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ nâng cao giá trị và thương hiệu hàng hóa địa phương, tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất của tỉnh phát triển. Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, sở đã chủ động phối hợp với Bộ Công thương, các địa phương, sở, ngành tăng cường phối hợp cung cấp thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tham gia các hội chợ, triển lãm; tổ chức các đoàn nghiên cứu, khảo sát thị trường trong nước và quốc tế; liên kết với các tổ chức XTTM trong và ngoài nước thông qua hệ thống Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để đẩy mạnh hoạt động XTTM, nâng cao giá trị hàng hóa địa phương.
Năm 2023, Bình Dương đã phối hợp tổ chức thành công các sự kiện lớn kết nối giao thương như Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Bình Dương năm 2023, Hội chợ Vùng Công thương Đông Nam bộ tại Bình Dương năm 2023, triển lãm chuyên ngành về máy móc, thiết bị ngành hàng gỗ, triển lãm nguyên phụ liệu ngành may mặc, ngành cơ điện, ngành nước... và các hoạt động giao thương quốc tế với đối tác thành phố có quan hệ kinh tế với tỉnh. Để hoạt động XTTM đạt được kết quả cao, tỉnh nỗ lực phối hợp tổ chức các hội chợ theo từng lĩnh vực chuyên sâu, tạo cơ hội cho lĩnh vực công nghiệp chủ lực của tỉnh. Bên cạnh đó, Bình Dương cũng tăng cường kết nối mang tính chiến lược, để tận dụng thế mạnh riêng của từng đơn vị, lĩnh vực nhằm xây dựng hình ảnh, thương hiệu ngành hàng gắn với phát triển bền vững.
Hội chợ ngành nước tại Bình Dương tháng 11-2023
Ghi nhận tính hiệu quả của hoạt động XTTM, ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định về hội chợ quốc tế ngành gỗ Bình Dương: “Trong bối cảnh khó khăn chung về thị trường, công tác XTTM nói chung và XTTM ngành gỗ nói riêng là hết sức quan trọng. Đây là giải pháp để biến những bất lợi thành cơ hội, biến nguy cơ thành thời cơ. Hội chợ máy móc và nguyên liệu gỗ quốc tế Bình Dương - Bifa Wood năm 2023, chính là minh chứng cho sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo và thích ứng của tỉnh. Bifa Wood 2023 sẽ góp phần giúp ngành chế biến gỗ lấy lại đà tăng trưởng trong các tháng cuối năm 2023 và thực hiện mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD lâm sản vào năm 2025 theo Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
Đặc biệt, nhiều chương trình XTTM được thực hiện thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử. Theo đó, Sở Công thương đã đẩy mạnh XTTM trên môi trường công nghệ số, các trang mạng, sàn thương mại điện tử uy tín cho các sản phẩm của tỉnh. Đặc biệt, để hỗ trợ hiệu quả cho việc quảng bá, kết nối sản phẩm, Sở Công thương, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, DN nỗ lực nghiên cứu, nhân rộng các mô hình, phương thức mới dựa trên việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Điển hình là sở đã kết nối khách hàng trực tuyến qua các chương trình hội chợ triển lãm, giao thương, trưng bày giới thiệu sản phẩm trên môi trường số.
Quảng bá, tiêu thụ tốt hơn
Theo Ông Mike Zhang, Giám đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam, cho biết trên nền tảng nghiên cứu về số lượng, lợi thế của các ngành xuất khẩu chủ lực của Bình Dương, tiềm năng của DN, Alibaba chọn Bình Dương là địa phương để hỗ trợ đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu thông qua TMĐT. Phía Alibba sẽ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn đối với DN Bình Dương khi tham gia các sàn TMĐT quốc tế là rào cản ngôn ngữ, thiếu kỹ năng marketing, sử dụng công cụ tiếp thị có sẵn trên sàn…
Theo ghi nhận, thời gian qua XTTM đã tạo điều kiện cho các sản phẩm địa phương được quảng bá, tiêu thụ tốt hơn. Đến nay, Bình Dương đã có nhiều sản phẩm uy tín, thương hiệu, được biết đến rộng rãi trong cả nước. Đơn cử như sản phẩm OCOP 3 sao tổ yến của Công ty TNHH Yến Hiếu Hằng, tại huyện Phú Giáo. Đây là một trong những sản phẩm OCOP và mô hình OCOP tiêu biểu của tỉnh Bình Dương. Theo bà Tăng Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Yến Hiếu Hằng, sau khi sản phẩm tổ yến đạt chứng nhận OCOP năm 2021, được sự hỗ trợ quảng bá tiêu thụ sản phẩm của các sở, ngành, diện tích nuôi yến được mở rộng lên hơn 1.600m2, mỗi tháng cho khoảng 15kg tổ yến thô, đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Thái Phú, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thực phẩm T.P (TP.Thuận An), cho biết các chương trình XTTM của tỉnh đã tạo điều kiện để DN duy trì và phát triển sản phẩm. Được sự hỗ trợ của Sở Công thương, công ty đã hoạch định cho mình những chiến lược kinh doanh mở rộng. “Công ty đã “rong ruổi” theo các hội chợ, chương trình XTTM do ngành công thương tổ chức, mang sản phẩm tiếp cận khách hàng các tỉnh miền Tây Nam bộ, các tỉnh, thành Bắc - Trung - Nam và một số đối tác quốc tế. Công ty luôn chú trọng đến những cơ hội để có thể tiếp cận thị trường một cách nhanh chóng và luôn không ngừng xây dựng cho mình những mục tiêu từ trung hạn cho đến dài hạn”, ông Phú chia sẻ.
TIỂU MY - ANH TUẤN