Rộn ràng nghề làm đầu lân sư mùa trung thu
Nghề làm đầu lân (hay đầu cù) đã có từ rất lâu ở Bình Dương. Nhân mùa Trung thu, chúng tôi đến một số cơ sở chuyên gia công đầu lân cho các vũ đoàn trong, ngoài tỉnh và ghi nhận không khí làm đầu lân sư ở đây vô cùng nhộn nhịp, khẩn trương.
(BDO) Chủ cơ sở Lưu Gia Thắng đang gia công sản phẩm |
Đến cơ sở sản xuất lân - sư - rồng Gia Thắng Đường nằm sâu trong một con hẻm đường Thích Quảng Đường (P.Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một), nhiều tuần nay, chủ cơ sở là ông Lưu Gia Thắng đã tích cực huy động nhân công và tranh thủ làm để kịp đáp ứng đơn hàng. Trong khuôn viên rộng chừng 20m2, mọi khoảng trống đều được tận dụng để làm đầu lân. Mọi người say sưa làm việc giữa ngổn ngang hồ, tre, vải kim sa…
Trao đổi với ông Lưu Gia Thắng, chủ cơ sở gia công, chủ nhiệm của Gia Thắng Đường, ông Thắng cho biết trước đây việc gia công, mua bán đầu lân đều phải tới khu người Hoa ở Chợ Lớn (TP.HCM) để mua. Loại này được làm từ khung đất sét, rất dễ hư hỏng, mẫu mã không đa dạng, màu sắc cũng không được ưa chuộng. Tuy nhiên, giá thành khá rẻ nên vẫn được các em thiếu nhi ưa dùng để vui chơi trong những dịp lễ, tết. Được ưa chuộng và thịnh hành trên thị trường hiện nay là đầu lân làm bằng mây tre với bộ khung vừa bền vừa nhẹ để người múa lân không bị mỏi, mẫu mã lại phong phú, đa dạng.
Chia sẻ về thị hiếu chơi lân sư ngày càng đổi khác, ông Thắng cho biết: “Ngày xưa, đầu lân - sư tử quét sơn rất hút hàng, nhưng vài năm trở lại đây sản phẩm này đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ hơn như dán giấy thiếc, vải kim sa, lông vũ…”. Vì sản phẩm làm ra rất công phu nên cơ sở Gia Thắng Đường chỉ cung cấp cho các Đoàn lân - sư - rồng trong, ngoài tỉnh và một số vũ đoàn nghệ thuật, tạp kỹ. Đặc biệt, sản phẩm đầu lân sư truyền thống ngày càng được ưa chuộng vào dịp Trung thu. Đây cũng là một tín hiệu vui cho những người làm nghề chế tác đầu lân sư.
TỐNG NAM