Rộ tin đồn bắt cóc trẻ em: Cần xử lý đối tượng tung tin thất thiệt!
(BDO) Thời gian qua, nhiều tin đồn bắt cóc trẻ em rộ lên và được chia sẻ với tốc độ nhanh chóng trên mạng xã hội khiến dư luận hoang mang, đặc biệt các phụ huynh có con nhỏ luôn cảm thấy bất an, lo lắng. Để tìm hiểu thêm thông tin, P.V đã tìm đến cơ quan chức năng trao đổi về thực hư câu chuyện này.
Chỉ là tin đồn nhảm
“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải (thuộc Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một), cho biết hàng ngày anh nhận được hàng trăm nguồn tin an ninh trật tự, trong đó có nhiều nguồn tin từ quần chúng nhân dân báo rằng con em của họ bị mất tích, hay bỏ nhà đi lang thang đã một thời gian nên đã liên hệ với các anh em trong đội để nhận được sự giúp đỡ, tìm kiếm. Nhiều người nhà của nạn nhân do nóng lòng muốn nhanh chóng tìm thấy con em mình nên đã đăng một số hình ảnh, thông tin cá nhân để bạn bè, cộng đồng mạng chia sẻ, giúp đỡ tìm kiếm. Vì vậy, một số đối tượng xấu đã lợi dụng vấn đề này dựng chuyện, bịa đặt nói về chuyện bắt cóc trẻ em gây bức xúc trong dư luận.
Cũng theo “hiệp sĩ” Hải, nhiều vụ việc trẻ em bỏ nhà đi lang thang nhưng người nhà vẫn cho rằng con mình bị “bắt cóc”. Cụ thể, vào ngày 19-8, “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải nhận được điện thoại của người dân nhờ tìm giúp bé trai L.P.M.P (12 tuổi, ngụ phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An), mất tích từ ngày 8-8. Gia đình của bé P. đã tổ chức tìm kiếm khắp nơi và trình báo chính quyền địa phương nhưng chưa có kết quả. Đến 6 giờ ngày 20- 8, một người dân tại phường An Bình, TX.Dĩ An thông báo nhìn thấy P. nằm ngủ ở khu vực phường An Bình, TX.Dĩ An.
Võ sư Lê Hoàng Mai hướng dẫn kỹ năng phòng vệ trước người lạ cho trẻ em gái
Tương tự, một vụ việc liên quan đến 3 chị em gái từ 12 đến 15 tuổi (ngụ huyện Bàu Bàng) bỏ nhà chơi với một người quen qua mạng xã hội khiến gia đình hoảng loạn nghi là bị bắt cóc nên báo công an và huy động hàng chục người tìm kiếm. Đến ngày 10-8, Công an huyện Bàu Bàng đã xác định được 3 bé gái trên rủ nhau đi chơi chứ không phải bị bắt cóc. Sau khi nhận được tin của một người dân báo thấy 3 bé gái ở tỉnh An Giang, gia đình đã từ Bình Dương xuống đón các em về.
Ông Phạm Văn S., cha của 3 bé gái cho biết, từ chiều 6-8, 3 đứa con ông đi khỏi nhà mà không thông báo cho người thân. Khi gia đình gọi vào số điện thoại của các em cũng không liên lạc được. Trước tin đồn các vụ bắt cóc trẻ em xuất hiện nhiều trên mạng và thông tin có người thấy một thanh niên chở 3 bé gái đi càng làm gia đình bất an. Người thân các em còn đưa hình ảnh và thông tin lên mạng để nhờ cộng đồng tìm kiếm. Tuy nhiên, sau khi tìm thấy ba chị em tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, các em cho biết được người bạn quen qua mạng rủ xuống chơi nhưng khi tới nơi thì người này không ra đón. Vì vậy, các em đã phải bán chiếc điện thoại mang theo và đã xài hết tiền nên không có tiền đón xe về nhà.
Tương tự, tin đồn bắt cóc trẻ em gần chợ Phú Văn, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một mà dư luận truyền tai là không có thật. Sự thật thì đó chỉ là mâu thuẫn trong gia đình, khi người cha dẫn con đi thì bị người thân hô hoán, sau đó người dân hiểu lầm là kẻ bắt cóc và truy bắt. Sau khi được ngành chức năng can thiệp, vụ việc được giải quyết, nhưng thông tin chưa đúng sự thật tiếp tục lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội.
Cần có kỹ năng trước tin đồn
Thời gian qua, trên mạng xã hội và trong dư luận xuất hiện nhiều tin đồn bắt cóc trẻ em. Trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực TP.Thủ Dầu Một cũng lan truyền nhiều thông tin trẻ bị bắt cóc, các em gái vị thành niên “bỗng dưng mất tích bí ẩn”. Trung tá Nguyễn Khánh Phương, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP.Thủ Dầu Một cho biết: “Từ đầu năm 2017 đến nay trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một không xảy ra vụ bắt cóc nào. Những thông tin về các vụ bắt cóc mà dư luận truyền tai chỉ là tin đồn. Chúng tôi khẳng định không có vụ bắt cóc trẻ em, thiếu nữ nào như thông tin trên mạng đang lan truyền”.
Vừa qua, Hội LHPN TP.Thủ Dầu Một đã tổ chức hội thảo tư vấn sức khỏe và chia sẻ kỹ năng tự vệ cho phụ nữ cho khoảng 300 chị, em phụ nữ là hội viên Hội LHPN 14 phường thuộc Hội LHPN TP.Thủ Dầu Một. Tại hội thảo, võ sư Lê Hoàng Mai, Cung Văn hóa Lao động TP.Hồ Chí Minh đã chia sẻ, hướng dẫn một số kỹ năng tự vệ khi bị giật điện thoại, túi xách ngoài đường, kỹ năng tự vệ khi bị bạo lực gia đình, cách xử lý tình huống trước nạn bắt cóc trẻ em.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, trên mạng xã hội và một số trang mạng có đưa tin về các trường hợp phụ nữ, trẻ em gái Bình Dương bị bắt cóc, bán... Tuy nhiên, qua kiểm tra, nắm bắt thực tế, qua các lực lượng chức năng, Hội LHPN tỉnh xác định đây chỉ là tin đồn. Đa số các trường hợp là do bị dụ dỗ, lừa gạt nên bỏ đi theo bạn bè, không báo gia đình, có trường hợp do xích mích trong gia đình.
Mặc dù vậy, Hội LHPN tỉnh cũng đã nhận thấy rõ tình trạng mua bán người là hết sức nguy hiểm, do đó cần phải quan tâm đến việc phòng ngừa, ngăn chặn. Thời gian qua và sắp tới, Hội LHPN các cấp đã và sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Tích cực tuyên truyền với phụ nữ để nhận biết những kẻ dụ dỗ mua bán phụ nữ thông qua các tài liệu tuyên truyền của ngành công an, của Hội LHPN; tổ chức tập huấn kỹ năng phòng vệ cho phụ nữ và trẻ em gái; tiếp tục củng cố và phát huy lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên để kịp thời nắm bắt và định hướng dư luận xã hội. “Chúng tôi cũng sẽ tập trung tập huấn cho lực lượng nữ công nhân về các biện pháp phòng tránh xâm hại trẻ em, nhất là trẻ em gái vị thành niên, đặc biệt là tiếp tục tổ chức thực hiện tốt nghị quyết liên tịch giữa ngành công an và Hội LHPN các cấp để phối hợp tốt trong công tác”.
Thiết nghĩ, dù chỉ là tin đồn chưa chính xác nhưng việc người dân, đặc biệt là phụ huynh nâng cao tinh thần cảnh giác với tội phạm mua bán người là cần thiết. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng cần có những kế hoạch cụ thể vừa tuyên truyền đến người dân kỹ năng ứng phó khi gặp nguy cơ; tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội pham, vừa xử lý nghiêm tội phạm mua bán người, hạn chế nguy cơ phát sinh tội phạm mua bán người, loại tội phạm nguy hiểm đang gây bức xúc trong dư luận hiện nay.
Một số chuyên gia cho rằng, trước khi chờ đợi cơ quan chức năng xử lý người tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, các bậc cha mẹ cần cân nhắc và có đánh giá đúng mức về mức độ thông tin, không nên chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng để tránh gây bất an trong dư luận. Cha mẹ cần đề cao cảnh giác và bảo vệ con, song bên cạnh việc giám sát, không bỏ mặc con cái một mình, cha mẹ cũng cần dạy cho con những kỹ năng ứng phó trước nạn bắt cóc như không theo và nhận đồ của người lạ; biết danh sách điện thoại những người đáng tin tưởng như: cô giáo, công an, cha mẹ; có mật khẩu riêng của từng gia đình để con nhận diện người thân. Cho con tham gia các lớp học võ thuật để tăng tính bạo dạn và phản xạ… Nếu trẻ không may bị bắt cóc, cha mẹ cần bình tĩnh, trình báo với cơ quan công an hoặc gọi điện đến đường dây nóng để được tư vấn hỗ trợ. Đặc biệt, cha mẹ không nên nói rõ địa chỉ, tên tuổi, trường học của con trên mạng xã hội để tránh kẻ bắt cóc lấy được thông tin tiếp cận cháu bé.
TÂM TRANG - HƯNG PHƯỚC