Rau an toàn vẫn khó đầu ra…
Sau thời gian bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều nông dân chỉ dám sản xuất cầm chừng hoặc chấp nhận bỏ một mùa vụ do đầu ra gặp nhiều khó khăn. Nhưng với điều kiện thuận lợi ở thời điểm hiện tại sản xuất đã trở lại mạnh mẽ, nhà lưới trồng rau theo mô hình sản xuất an toàn đã lại xanh mướt màu xanh đầy sức sống. Tuy vậy, vẫn còn đó nỗi lo đầu ra gặp khó…
Vườn rau an toàn nhà lưới hở trên đất vườn của anh Nguyễn Văn Quí, ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên
Nhân rộng
Thực tiễn cho thấy, sản xuất rau sạch, an toàn tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng (NTD), tạo uy tín và góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Thành công của một số mô hình đã cho thấy việc nhân rộng và phát huy hiệu quả mô hình này là cần thiết.
Xuất phát từ cái tâm đối với sức khỏe của NTD, gia đình anh Nguyễn Văn Tiến, ngụ tại khu phố Nguyễn Trãi, phường Lái Thiêu, TP.Thuận An đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo phương pháp thủy canh. Trang trại Ngọc Ánh Farm của anh trồng rau trong nhà lưới kín hiện là vườn rau lớn với diện tích 3.000m2 được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế Global GAP. Mỗi ngày trang trại cung cấp rau cho khoảng trên 30 trường học. Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân, thể hiện được ưu thế vượt trội trong việc nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị của sản phẩm.
Còn đối với nông dân Nguyễn Văn Quí, ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên, vườn rau tiêu chuẩn VietGAP đã mang lại thu nhập trung bình 15 - 20 triệu/ tháng. Trên diện tích 1.800m2, gia đình anh chủ yếu trồng 5 loại rau cải xanh, cải ngọt, cải thìa, mùng tơi và rau muống. Nhờ áp dụng công nghệ trong nhà lưới kết hợp tưới phun mưa nên vườn rau của anh cho năng suất quanh năm. “Mô hình này giúp ngăn ngừa được côn trùng phá hoại nên giảm tối đa lượng thuốc trừ sâu, chống ô nhiễm môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường đất, nước cho ra sản phẩm rau an toàn góp phần bảo vệ sức khỏe NTD. Nếu giải quyết được khâu thị trường ổn định, những mô hình trồng rau sạch, rau an toàn mang lại lợi ích cao cho cả người sản xuất lẫn NTD”, anh Quí nói.
Ông Quách Đức Thịnh, Hiệu trưởng trường THPT Trịnh Hoài Đức, TP.Thuận An chia sẻ: “Học sinh ăn ở trường 50%, ở nhà 50% nên một phần sức khỏe học sinh là do mình. Mỗi ngày nhà trường có vài trăm suất ăn trưa, từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Vì vậy nhà trường cẩn thận lựa chọn cơ sở cung cấp thực phẩm sạch. Về rau xanh, trung bình ngày nhập 40kg từ trang trại sản xuất rau thủy canh Ngọc Ánh Farm. Nhà trường và đại diện phụ huynh học sinh đã đến tham quan trang trại và thực sự tin tưởng, hài lòng về chất lượng. Nhiều phụ huynh còn học hỏi, xin chia sẻ kinh nghiệm về tự trồng rau phục vụ bữa cơm trong gia đình”.
Hiện nay, trồng rau sạch, an toàn đang là xu hướng thịnh hành trước nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc của NTD ngày càng tăng cao. Người trồng rau đã tiếp cận và nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá trị kinh tế cao. Và, để thuận lợi cho việc đăng ký nơi sản xuất, truy xuất nguồn gốc gắn liền với thương hiệu, công tác quy hoạch vùng, chọn địa điểm sản xuất là cần thiết.
Vườn rau thủy canh trong nhà lưới kín của anh Nguyễn Văn Tiến, khu phố Nguyễn Trãi, phường Lái Thiêu, TP.Thuận An
Theo ông Huỳnh Hữu Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên: “Phát triển bền vững trồng rau sạch, an toàn sẽ mang lại lợi ích cho người sản xuất và tiêu dùng. Huyện Bắc Tân Uyên được quy hoạch trồng cây ăn trái có múi nên các mô hình trồng rau sạch, an toàn chủ yếu là các hộ nhỏ lẻ. TX.Tân Uyên là nơi được biết đến với nhiều vườn rau lớn liên kết thành các tổ hợp tác, hợp tác xã. Điển hình như xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Rau Thạnh Hội”, qua đó giúp nâng cao giá trị sản phẩm, thương hiệu được nhiều người biết đến”.
Bài toán “đầu ra”
Chúng tôi có dịp tham quan mô hình rau thủy canh của anh Từ Trung Hiếu, khu phố Bình Phước B, phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An trong thời điểm đang thu hoạch. Anh Hiếu cho biết mỗi ngày gia đình bán ra thị trường 40 - 50kg, thu về hơn 1 triệu đồng. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát nặng nề, đầu ra khó khăn, rau tồn đọng anh mang đi cung cấp miễn phí cho người dân. Để tránh rủi ro và thua lỗ gia đình tạm ngưng sản xuất. Đến nay cơ bản đã phục hồi, tuy nhiên lúc này thuê nhân công, lao động trở nên rất khó khăn. “Tôi phải thu hẹp diện tích sản xuất do không có người làm, hơn 1.000m2 trước đây thu hẹp lại còn 600m2”. Kênh tiêu thụ chủ yếu của vườn rau gia đình là các cửa hàng Bách hóa xanh. Nay phải tạm ngưng do không đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng (yêu cầu sản lượng phải đạt 100 kg/ngày). Hiện tôi cung cấp cho hệ thống rau củ quả Đà Lạt và các cửa hàng rau sạch, thu nhập tạm ổn”, anh Hiếu cho biết thêm.
Cũng như gia đình anh Hiếu, vườn rau an toàn 7.000m2 của anh Lê Đức Công, khu phố Thạnh Lộc, phường An Thạnh, TP.Thuận An trong thời điểm dịch bệnh vẫn sản xuất nhưng chỉ làm cầm chừng và không có lợi nhuận. Hiện tại, đang phục hồi sản xuất để cung ứng rau cho thị trường, tăng doanh thu. Thị trường tiêu thụ chính là chợ An Sơn và chợ Thủ Dầu Một.
Qua trao đổi với người nông dân sản xuất rau sạch, an toàn trên địa bàn tỉnh, hiện nay kênh phân phối, tiêu thụ qua các hình thức chính như bán trực tiếp cho siêu thị, cửa hàng phân phối bán lẻ rau an toàn, tự bán tại các chợ bán lẻ, đổ sỉ cho các chợ đầu mối. Ngoài ra có một số chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau thông qua mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã...
Ông Cao Hoàng Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên, cho biết: “Mong muốn của bà con nông dân là chính quyền hỗ trợ, quan tâm hơn về vấn đề đầu ra. Năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng một tăng cao đã được khẳng định, nhưng nếu đầu ra sản phẩm ổn định bà con nông dân sẽ yên tâm sản xuất, mạnh dạn đầu tư các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.
Ông Đặng Tấn Lộc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, TP.Thuận An, chia sẻ: “Năm vừa qua do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều nông dân phải bỏ vụ hoặc chỉ sản xuất cầm chừng để giữ đất. Giá vật tư tăng cao cùng với đầu ra gặp khó khăn khiến nông dân không có lợi nhuận. Hiện giờ, nông dân đã sản xuất bình thường trở lại. Tuy nhiên, về lâu dài để giải quyết được vấn đề đầu ra cho nông sản cần sự quan tâm của cả hệ thống các đơn vị liên quan. Riêng trung tâm đã kết nối với các hệ thống siêu thị, song phần lớn vẫn canh tác nhỏ lẻ, sản xuất manh mún nên không đáp ứng được nhu cầu về số lượng và mẫu mã”.
Việc sản xuất rau sạch, an toàn là hoàn toàn phù hợp với xu thế, có thể thực hiện ở cả địa bàn nông thôn hay đô thị. Tuy nhiên, để nhân rộng và phát triển bền vững cần sự vào cuộc hỗ trợ từ các sở, ban, ngành liên quan. Người sản xuất, doanh nghiệp (đơn vị thu mua, dịch vụ) và NTD cần có sự liên kết phù hợp, có chính sách rõ ràng. Nông dân ở vùng có kinh nghiệm đã gắn bó với cây rau nhiều năm luôn mong chờ một cơ chế, chính sách phù hợp để yên tâm sản xuất phục vụ cho thị trường, bảo vệ sức khỏe NTD.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm phát triển nông nghiệp trong đó có sản xuất rau an toàn phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành khuyến khích ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Trong đó có các chính sách cụ thể như hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ chi phí chứng nhận cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn; hỗ trợ chi phí áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt... |
TIẾN HẠNH