Rất ít người Việt quan tâm đến thông tin cá nhân bị lộ qua Internet
Khảo sát mới cho thấy người dùng Internet trong nước ít lo ngại thông tin cá nhân bị các hãng thu thập, trong khi tỷ lệ toàn cầu là 40%.
(BDO) Công ty tư vấn Kantar TNS đã thực hiện khảo sát trên 70.000 người ở 56 quốc gia để tìm hiểu niềm tin của người dùng đối với các thương hiệu xoay quanh các vấn đề công nghệ, nội dung thông tin, dữ liệu số hóa và thương mại điện tử. Chỉ 18% người tham gia ở Việt Nam sợ thông tin cá nhân bị thu thập và phân tích, còn tỷ lệ trung bình trên toàn cầu là 40% và lên tới 56% tại Australia. Cũng chỉ 20% người Việt thấy bất lợi trước việc các thiết bị có kết nối Internet của họ được cài đặt theo dõi hành vi trực tuyến, trong khi tỷ lệ này ở Hàn Quốc và New Zealand là 56% và 62%. Phần lớn người dùng Internet trong nước chưa ý thức được những sự đánh đổi mà họ có thể phải đối mặt khi chọn kết nối trực tuyến - điều vốn khiến nhiều quốc gia khác trở nên hoài nghi về cách các công ty sử dụng thông tin cá nhân của khách hàng. Tại Việt Nam, hơn một nửa số người tham gia khảo sát (54%) tin tưởng vào các thương hiệu quốc tế lớn. Niềm tin này thấp đáng kể ở các thị trường phát triển như Australia và New Zealand với tỷ lệ lần lượt chỉ là 19% và 21%. Ông Ashish Kanchan, đại diện của Kantar TNS, giải thích: "Nhờ sự gia tăng của thiết bị di động, một lượng lớn người tiêu dùng Việt có cơ hội lần đầu kết nối mạng, và rất nhiều trong số đó coi mạng xã hội là điểm tiếp cận chính khi kết nối Internet. Việc các thương hiệu xuất hiện trong thế giới mạng của họ cũng giống như cách bạn bè họ xuất hiện, nên họ cởi mở đón nhận. Tuy nhiên, các thương hiệu cần đảm bảo không xâm nhập quá mức vào không gian của khách hàng để duy trì được vị trí tin cậy như hiện nay". Người tiêu dùng Việt cũng sẵn sàng trải nghiệm các hình thức tương tác mới với thương hiệu khi 39% sẵn lòng giao tiếp với nhân viên hỗ trợ trực tuyến ảo. Tuy vậy, quan điểm tiến bộ về tương tác trực tuyến lại chưa thể chuyển thành hành vi thanh toán di động. Chỉ 14% sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm qua điện thoại di động, trong khi tỷ lệ trên toàn cầu là 39%. Với lượng dân số cao không sử dụng dịch vụ ngân hàng, tiền mặt vẫn đang là phương tiện thanh toán chủ yếu tại Việt Nam.