Rằm tháng Giêng - Mùa của nghệ thuật Lân - Sư - Rồng
(BDO) Với quan niệm có đoàn Lân - Sư - Rồng (Đoàn Lân) đến nhà sẽ mang lại may mắn, tài lộc và thành công trong năm mới nên tết đến xuân về hầu như các Đoàn Lân trong tỉnh đều kín lịch biểu diễn. Múa Lân - Sư - Rồng không đơn giản, đòi hỏi người theo nghề phải có kỹ thuật, sự khéo léo, kiên nhẫn… Khó nhưng những ai đã sống với nghề đều rất nhiệt huyết.
Sau rằm mới ăn tết
Ngay từ ngày mùng 1 tết, trên các con đường trong tỉnh rộn rã tiếng “tùng xèng” vui tai của các Đoàn Lân. Đối với nghề này, mỗi năm chỉ trông vào dịp tết để có thu nhập, do đó ngay từ cuối năm các đoàn đã liên hệ để lên lịch biểu diễn xông đất, khai trương…
Ông Nguyễn Hoàng Long, chủ đoàn Huỳnh Long Đường cho biết, ngay đêm giao thừa, đoàn đã múa phục vụ nhiều cửa hàng, gia chủ. Cứ như mọi năm, năm nay đoàn nhận nhiều hợp đồng nên sẽ biểu diễn cho đến hết Rằm tháng Giêng. Để xứng danh là Đoàn Lân lớn trong tỉnh, đoàn tập nhiều màn biểu diễn múa rồng, trống trận, lân lên Mai hoa thung… làm hài lòng khách hàng, cũng như khẳng định tên tuổi của đoàn.
Đoàn Lân - Sư - Rồng múa xông đất đầu năm cho doanh nghiệp
Theo chủ các Đoàn Lân, năm nay giá hợp đồng biểu diễn không tăng, dao động từ 5 - 15 triệu đồng. Giá cả tùy thuộc vào thời gian và độ khó của màn trình diễn, cộng thêm vị trí nội hay ngoại thành. Nếu ở ngoại thành chi phí sẽ đội lên thêm vì phải thuê xe tải chở đồ nghề và xe khách để chở cả đoàn. Giá cả còn phụ thuộc vào đoàn lớn hay nhỏ, có thâm niêm hay mới trình làng. Một lần biểu diễn mất khoảng 20 phút nếu khách đề nghị đơn giản; màn biểu diễn khó, phức tạp cả thời gian chuẩn bị khoảng 1,5 giờ đồng hồ.
Ông Lưu Gia Thắng, chủ đoàn Gia Thắng Đường thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh nói, đoàn lân của ông đã kín lịch biểu diễn trong dịp tết. Riêng trong đêm giao thừa (30 tết) và ngày mùng 1, đoàn đi suốt ngày đêm để phục vụ nhu cầu của khách hàng múa lân xông đất đón tân niên. Ngoài khách hàng nhỏ lẻ, đoàn lân của ông còn tham gia các sự kiện cuối năm như: Hội hoa xuân, Hội báo xuân, khai mạc đường hoa xuân… các chương trình văn nghệ mừng xuân do tỉnh tổ chức. Do đó, tết năm nào các thành viên trong đoàn cũng ăn tết muộn so với mọi người.
Theo giới kinh doanh dịch vụ múa Lân - Sư - Rồng, sở dĩ ngành này vẫn “sống” được dù kinh tế khó khăn vì đây không chỉ là hoạt động giải trí đẹp mắt mà còn có ý nghĩa tâm linh, mang đến may mắn, tài lộc trong năm.
Đam mê với nghề
Theo tìm hiểu, một đoàn Lân - Sư - Rồng có tên tuổi phải có từ 40 thành viên trở lên. Trong đó có những đoàn, thành viên nhỏ nhất chỉ 5 - 6 tuổi, lực lượng nòng cốt 18 - 25 tuổi và một số người 35 - 40 tuổi. Tâm sự chuyện theo nghề, anh Nguyễn Minh Nhật (25 tuổi) thành viên đoàn Minh Nghĩa Đường nói, anh theo nghề từ khi 15 tuổi. Lúc nhỏ vì quá đam mê, đoàn lân nào biểu diễn ở đâu anh cũng tìm đến xem. Thấy con đam mê, ba mẹ anh đã tạo điều kiện cho con theo nghề. Ban đầu tập luyện rất khó nhưng anh đã vượt qua để trở thành một trong những người múa chính của đoàn.
Mới 9 tuổi nhưng Nguyễn Lưu Hữu Đức đã có 3 năm theo biểu diễn cho đoàn Gia Thắng Đường. Hữu Đức kể: “Lúc mới gia nhập đoàn, em được các chú, các anh luyện tập sức khỏe, dẻo dai và cách múa lân theo nhịp trống. Nhiều đêm tập xong nhức cả người nhưng không đi tập em thấy buồn lắm. Thích múa lân nên em phải cố gắng học giỏi, siêng năng để ba mẹ tiếp tục cho đi múa. Hiện nay, em đang múa những chú lân nhỏ”.
Nghề múa lân đòi hỏi quá trình rèn luyện lâu dài và tinh thần tập thể cao. Có những cặp nhảy Mai hoa thung gắn bó 3 - 4 năm liền. Đội múa rồng đến 9 người nhưng phải đồng đều như một, luôn phối hợp, hiểu ý nhau… Tập luyện vất vả nhưng để duy trì một đoàn lân cũng lắm nỗi nhọc nhằn. Có nhiều đoàn lân làm ăn thua lỗ nhưng để sống với niềm đam mê các thành viên phải tự bỏ tiền túi ra duy trì.
Nhắc tới cái nghề đã thấm vào máu của mình, ông Phước, trưởng đoàn Phước Anh Đường tự hào: “Phải nói là ai theo nghề này đều có niềm đam mê mãnh liệt, dù có chấn thương cũng không ai bỏ. Yêu và sống với đam mê nhưng cái nghề này tuổi nghề khá ngắn, qua tuổi 35 họ đã khó có đủ sức khỏe, nhanh nhẹn để có thể múa, nhảy trên mai hoa thung. Nghỉ nhưng mỗi lần nghe tiếng trống, những lão làng trong nghề lại cảm thấy nuối tiếc và “thèm” trẻ mãi để theo nghề”.
THIÊN LÝ