Rà soát kỹ các luật liên quan, bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch

Thứ tư, ngày 16/05/2018

(BDO)  

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 24, sáng 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.

Tránh tạo khoảng trống pháp lý

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng trình bày nêu rõ, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, Luật Công chứng, Luật Trẻ em, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học công nghệ, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị để có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019 là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch bao gồm 14 điều, trong đó có 13 điều quy định việc sửa đổi 13 luật và 1 điều về quy định hiệu lực thi hành luật.

Dự thảo Luật nhằm bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và người dân hoặc sửa đổi tên các quy hoạch ngành đảm bảo phù hợp với danh mục quy hoạch ngành quốc gia được quy định tại Phụ lục I của Luật Quy hoạch.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đảm bảo duy trì các mục tiêu, yêu cầu về chính sách quản lý Nhà nước của các ngành, tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật, có xem xét đến các yếu tố đặt thù của lĩnh vực đồng thời đảm bảo đủ căn cứ pháp lý để bổ sung nguồn kinh phí đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017-2020 cho công tác lập quy hoạch cho giai đoạn 2021-2030.

Không phát sinh thêm thủ tục hành chính

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành dự án Luật; đồng thời đề nghị, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật cần tuân thủ nguyên tắc, chỉ sửa đổi, bổ sung những quy định trong các luật có nội dung liên quan đến quy hoạch để bảo đảm đồng bộ và thống nhất với Luật Quy hoạch.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy, các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch đã bám sát nội dung của Luật Quy hoạch.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy so với yêu cầu sửa đổi, bổ sung các luật quy định tại Phụ lục III của Luật Quy hoạch, đã có nhiều nội dung phát sinh, một số điều, khoản có trong Phụ lục lại chưa được đưa vào dự thảo sửa đổi.

Do vậy, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát kỹ lưỡng các điều, khoản của các luật có liên quan để bảo đảm đúng mục tiêu của việc sửa đổi đồng bộ với Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Những nội dung được yêu cầu sửa đổi, bổ sung tại Phụ lục III của Luật Quy hoạch nhưng không thực hiện cần báo cáo, giải trình với Quốc hội.

Các đại biểu tán thành với tên gọi dự án Luật như Tờ trình của Chính phủ là dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, Luật Công chứng, Luật Trẻ em, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị; nhấn mạnh tên gọi như vậy thể hiện trực tiếp được các luật cần bổ sung, sửa đổi, dễ theo dõi và phù hợp với thông lệ đặt tên của các dự án luật.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao với quan điểm của cơ quan thẩm tra. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, việc sửa đổi dự án Luật phải bảo đảm đừng sinh ra vấn đề phức tạp mới, đừng phát sinh thêm thủ tục hành chính.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, dự án Luật không sửa đổi các nội dung khác không liên quan đến quy hoạch, nhất là vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách.

Dẫn chứng việc sửa đổi Luật Công chứng, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ, chỉ sửa đổi các điều kiện thành lập văn phòng công chứng liên quan đến Luật Quy hoạch, chứ không sửa đổi về tiêu chí công chứng.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí dự án Luật đủ điều kiện thông qua tại một kỳ họp theo thủ tục rút gọn, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 24, bảo đảm Luật Quy hoạch khi có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2019 sẽ là một bước tiến tích cực, góp phần cải cách thủ tục hành chính, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội./. 

Theo TTXVN