Rà soát hồ sơ thiết kế, thi công cầu Thăng Long

Thứ hai, ngày 22/03/2010

 

Theo ông Nguyễn Văn Công, Chánh văn phòng Bộ Giao thông - Vận tải, trên mặt cầu Thăng Long gần đây có hiện tượng đọng nước và xuất hiện một số vết nứt của thảm bê tông nhựa trên mặt cầu, tập trung chủ yếu ở phần liên 5 (nhịp thứ nhất bên trái chiều Hà Nội - Nội Bài).

  

Nhiều đoạn nứt vỡ đã được trám lại.

Bộ Giao thông đã chỉ đạo Cục Đường bộ, Ban quản lý dự án 2 khẩn trương tập trung nhân lực, thiết bị sửa chữa các vị trí bị hư hỏng, xẻ rãnh thoát nước dọc và ngang tại các vị trí trên cầu để thoát nước triệt để từ mặt bê tông nhựa ra máng thu nước. Các công việc này phải hoàn tất trước 31-3-2010.

 

Ngoài ra, các đơn vị của bộ sẽ rà soát lại toàn bộ hồ sơ thiết kế, hồ sơ thi công, công nghệ thi công, đánh giá chất lượng thi công lớp mặt bê tông nhựa để tìm ra nguyên nhân và đề xuất phương án khắc phục triệt để.

 

Theo ghi nhận của phóng viên, trên mặt cầu Thăng Long, các đơn vị thi công đã xẻ hàng chục rãnh thoát nước ngang dài hơn một mét, từ mặt bê tông ra rãnh thu nước. Các rãnh này đều đặt gần khu vực bị nứt vỡ, mặt đường gồ ghề lỗ chỗ.

 

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư từ tháng 5-2009, gồm 3 hạng mục: sửa chữa mặt cầu Thăng Long, thay thế khe co giãn và sửa chữa đường đảm bảo giao thông 2 bên cánh gà tầng 1. Dự án đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 29-12-2009.

 

Do cấu tạo mặt cầu Thăng Long là bản mặt thép có bề rộng tương đối lớn (khác với mặt cầu bằng bê tông cốt thép thông thường) nên khi sửa chữa, công trình được sử dụng lớp bê tông nhựa nóng SMA để thay thế lớp mặt cầu cũ, đây là vật liệu mới, áp dụng công nghệ tiên tiến lần đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau 3 tháng hoàn thành, trên mặt cầu đã xuất hiện nhiều đoạn bị nứt vỡ.

 

Thăng Long là cây cầu huyết mạnh trên tuyến đường Nội Bài - Hà Nội.

(Theo VNE)