Ra mắt thịt bò nhân tạo đầu tiên trên thế giới
Thịt bò nhân tạo đầu tiên có chi phí sản xuất gần 7 tỷ đồng, nhưng chưa có vị ngon như mong muốn. Ảnh: BBC.
Trong khi các viện nghiên cứu trong lĩnh vực tế bào gốc đang nỗ lực nuôi dưỡng tế bào cơ thể người để dùng trong cấy ghép nhằm chữa nhiều loại bệnh, GS Mark Post ở ĐH Maastricht và các đồng nghiệp sử dụng kỹ thuật tương tự để nuôi cơ và mỡ tại phòng thí nghiệm ở Hà Lan để làm thực phẩm.
GS Post và đồng nghiệp lấy tế bào cơ của bò rồi nuôi bằng chất dinh dưỡng và hóa chất thúc đẩy tăng trưởng để giúp tế bào phát triển, sinh sôi. Sau 3 tuần, họ thu được hơn 1 triệu tế bào gốc rồi đặt vào những chiếc đĩa nhỏ để các tế bào kết hợp lại thành các dải cơ nhỏ dài khoảng 1cm và dày vài milimet. Những dải cơ này được viên thành cục nhỏ rồi làm đông lạnh. Khi thu được đủ số lượng cần thiết, những viên thịt nhân tạo được rã đông và ép thành miếng mỏng để sẵn sàng cho việc nấu nướng.
Thịt bò nhân tạo có màu trắng, và các nhà khoa học đang nỗ lực khiến chúng có màu đỏ giống thịt tự nhiên hơn, bằng cách cho thêm hợp chất tự nhiên myoglobin. Miếng thịt ra mắt lần này được nhuộm đỏ bằng nước ép củ cải đường. Các nhà nghiên cứu cũng cho thêm vụn bánh mỳ, caramel và nghệ tây để thịt có thêm hương vị.
Hiện tại các nhà khoa học mới chỉ làm được một miếng thịt nhỏ, vì việc sản xuất những miếng thịt lớn đòi hỏi nhiều hệ thống tuần hoàn nhân tạo lớn hơn để vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy. GS Post cho biết, miếng thịt bò nhân tạo đầu tiên có vị chưa ngon lắm, nhưng ông hy vọng nó sẽ “đủ ngon”. Chi phí để làm ra miếng thịt bò này là 215.000 bảng Anh (tương đương gần 6,9 tỷ đồng).
Nhiều người cho rằng, ăn ít thịt hơn là cách dễ hơn để đối phó tình trạng thiếu thực phẩm có thể xảy ra trong tương lai. GS Tara Garnett, Giám đốc Mạng lưới Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm tại ĐH Oxford (Anh), nói: “Tình hình của chúng ta là 1,4 tỷ người trên thế giới đang bị thừa cân, béo phì, trong khi đó 1 tỷ người phải lên giường ngủ với cái bụng đói”. Vì thế, bà Garnett cho rằng, giải pháp không chỉ là phải sản xuất ra nhiều thực phẩm hơn mà phải thay đổi hệ thống cung cấp và tiếp cận để đưa thực phẩm tới người nghèo nhiều hơn.
(Theo TPO)