Ra mắt sàn giao dịch điện tử, tiếp sức cho sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19

Thứ năm, ngày 23/12/2021

(BDO) Để góp phần xây dựng thị trường thương mại điện tử (TMĐT) lành mạnh tại Bình Dương và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bắt kịp đà phát triển, nhất là DN vừa và nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, UBND tỉnh vừa ra mắt sàn TMĐT tại tên miền: https:// binhduongtrade.vn.


Lãnh đạo tỉnh dự lễ khai trương Sàn giao dịch Thương mại điện tử Bình Dương tại tên miền: https://binhduongtrade.vn

Những nỗ lực không ngừng

Theo ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp (Sở Công thương), chúng ta đang bước sang thời đại công nghệ số 4.0, kỷ nguyên số hóa với nhiều cơ hội rộng mở và những thách thức đan xen. Trong bối cảnh nước ta đang chịu tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, việc áp dụng hiệu quả công nghệ số là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế. Hơn nữa, xu hướng kinh doanh trực tuyến hay bán hàng online đã đem lại hiệu quả kinh tế cho rất nhiều ngành nghề kinh doanh. Qua 2 năm đầu tư xây dựng và chuẩn bị dữ liệu, với sự đồng hành của các sở ngành như: Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VNPT Bình Dương, Trung tâm WTC Bình Dương...; sàn TMĐT tỉnh Bình Dương chính thức đi vào hoạt động.

Sàn TMĐT Bình Dương được thiết kế là một sàn giao dịch TMĐT B2B (business to business), B2C (business to consumer) và C2C (consumer to consumer), đáp ứng nhu cầu không chỉ cho các DN, hộ kinh doanh mà còn cho cả người tiêu dùng. Sàn TMĐT có nhiệm vụ liên kết, giao lưu, hợp tác giữa các thành phần kinh tế và người tiêu dùng, triển khai các chương trình hỗ trợ DN từ khi bắt đầu tham gia đến lúc kinh doanh, hoạt động trên môi trường trực tuyến.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương cho biết, thông qua sàn TMĐT Bình Dương, doanh nghiệp có thể tạo gian hàng và kênh thông tin giới thiệu, hiển thị thông tin cụ thể về DN và thông tin các sản phẩm mà DN muốn giới thiệu đến người tiêu dùng. Mỗi gian hàng được quản lý bởi từng DN tương ứng, được phép đăng tải thông tin sản phẩm và thông tin về DN, đăng tải quảng cáo, PR thương hiệu. Đồng thời, sàn TMĐT Bình Dương hỗ trợ người tiêu dùng và các đơn vị đối tác có cơ hội tìm hiểu về DN cũng như sản phẩm và dịch vụ mà DN cung cấp.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kỳ vọng sàn TMĐT là một trong những công cụ, cầu nối để thúc đẩy nền kinh tế số, là môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng các mô hình kinh doanh song song giữa thương mại truyền thống và thương mại trực tuyến. Với việc ra mắt sàn TMĐT sẽ góp phần xây dựng một thị trường trực tuyến lành mạnh, tạo dựng lòng tin với người tiêu dùng, hỗ trợ DN kết nối giao thương thuận lợi, với chi phí tiết kiệm và không bị giới hạn về không gian và thời gian, hứa hẹn sẽ là một điểm nhấn trong bức tranh TMĐT tỉnh Bình Dương trong thời gian sắp tới.

Khi sàn TMĐT tỉnh chính thức đi vào vận hành hoạt động, hy vọng sẽ kết nối và mở ra một “cánh cửa mới” cho cộng đồng DN tỉnh Bình Dương nói chung và DN vừa và nhỏ (và siêu nhỏ) nói riêng trong việc phát triển thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới.

Cánh cửa mới mở ra

Những năm gần đây, TMĐT đã không còn xa lạ với xã hội và đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thị trường TMĐT đang trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu giúp cho các DN vượt qua khó khăn.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và sự phát triển bùng nổ của thị trường mua sắm trực tuyến, để góp phần vào việc xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh tại Bình Dương và hỗ trợ DN bắt kịp đà phát triển trong TMĐT nhất là những DN vừa và nhỏ, HTX, cơ sở sản xuất; UBND tỉnh đã chủ trương và giao Sở Công thương xây dựng sàn TMĐT với nhiệm vụ liên kết, giao lưu hợp tác giữa các thành phần kinh tế và người tiêu dùng, triển khai các chương trình hỗ trợ DN trong quá trình ứng dụng TMĐT từ khi tham gia đến lúc kinh doanh, hoạt động trên môi trường trực tuyến.

Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Minh Long 1 cho biết khi xu hướng bán hàng đa kênh vẫn tiếp tục chiếm ưu thế, trong đó bán hàng online trên các sàn TMĐT đang tỏ ra nổi trội, việc chuyển đổi từ hình thức kinh doanh truyền thống hiện đang vấp phải nhiều tác động ngoại cảnh sang kinh doanh trên nền tảng trực tuyến được đánh giá là bước đi khôn ngoan và hợp thời. Riêng với kinh doanh trên sàn, bài học cơ bản dành cho nhà bán hàng luôn bắt đầu từ việc hiểu rõ thế mạnh của mình và tận dụng những ưu đãi sẵn có từ sàn TMĐT để đạt được hiệu quả cao với chi phí hợp lý nhất. Không chỉ xoay quanh việc quảng cáo để gia tăng độ hiển thị, hai vấn đề cốt lõi mà các chủ shop trên sàn TMĐT chú trọng đầu tư đó chính là chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, với việc được nhiều địa phương, DN, hộ sản xuất, kinh doanh đang ngày càng quan tâm hơn đến kênh bán hàng TMĐT. Các đơn vị cho rằng sàn TMĐT không chỉ giúp giải tỏa ách tắc trong tiêu thụ nông sản mùa dịch, mà được kỳ vọng sẽ trở thành kênh chiến lược để phát triển thị trường nông sản; là “phương thuốc hóa giải lời nguyền” được mùa, mất giá của nông sản và đưa nông sản Bình Dương vươn xa ra thị trường.

Anh Nguyễn Văn Tiến, Hợp tác xã (HTX) Dân Tiến (huyện Bắc Tân Uyên) cho biết việc tham gia giao dịch trên các sàn TMĐT không chỉ giải bài toán tiêu thụ trước mắt trong mùa dịch bệnh Covid-19 mà còn giúp nông dân, HTX, DN hướng tới chủ động sử dụng công nghệ, từng bước chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản bền vững. Từ khi tham gia sàn TMĐT và được hỗ trợ thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, sản phẩm của DN được thị trường đón nhận tích cực, người mua cũng tin tưởng hơn, đối tác cũng được mở rộng, số lượng hàng hóa sản xuất, tiêu thụ cũng tăng đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Sộp, HTX Minh Hòa Phát (huyện Dầu Tiếng) cho biết trong thời gian qua, với sự hỗ trợ của các ngành, DN đã chủ động tìm đến các sàn TMĐT để đăng ký. Nhờ đó, nhiều đơn vị cũng đã tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình, tiếp cận với các kênh phân phối lớn. Kỳ vọng rằng khi tham gia sàn TMĐT của tỉnh, sản phẩm của HTX được thị trường đón nhận tích cực, người mua cũng tin tưởng hơn, đối tác cũng được mở rộng, số lượng hàng hóa sản xuất, tiêu thụ cũng tăng đáng kể.

Dù mang lại nhiều lợi ích, thậm chí không ít nơi còn trở thành phương thức kinh doanh chủ yếu, nhưng theo đánh giá của ngành chức năng, TMĐT vẫn là sân chơi khá mới lạ, nhất là ở nông thôn. Với những người đã quen với quy trình sản xuất thủ công, không quá chú trọng hình thức, cách quảng bá, việc đầu tư để phát triển trên sân chơi này vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, các tổ chức, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là DN vừa và nhỏ, nguồn nhân lực về công nghệ thông tin hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành và triển khai phần mềm. Vì thế, để người dân và DN dễ dàng tiếp cận sàn TMĐT, ngành công thương có nhiều hình thức hướng dẫn linh hoạt cho người nông dân đưa sản phẩm lên sàn, như: Livestream, gửi hướng dẫn dạng hình ảnh hoặc video... Do vậy, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, người nông dân vẫn có thể tự tạo gian hàng và đăng bán các sản phẩm, nông sản thông qua sàn TMĐT.

TIỂU MY - KIM HỒNG