Ra mắt sách thơ-ảnh của nữ tác giả 83 tuổi về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
(BDO) Sáng 23/8, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã diễn ra lễ ra mắt và tọa đàm về cuốn sách thơ-ảnh “Theo dấu chân Đại tướng” của nhà thơ, nhà giáo 83 tuổi Nguyễn Thị Mỹ Dung.
Sách thơ "Theo dấu chân Đại tướng".
Trước đó, sáng 21/12/2021 cũng tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, triển lãm trưng 110 bài thơ diễn ca lịch sử về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của tác giả, nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung.
Đây là triển lãm đặc biệt nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 77 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Triển lãm tái hiện dấu mốc chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như cuộc sống đời thường của vị Tổng tư lệnh toàn quyền Võ Nguyên Giáp qua những vần thơ đầy tình cảm kính yêu của nữ tác giả cao tuổi.
Các diễn giả chia sẻ về cuốn sách.
Những bài thơ và bức ảnh trong triển lãm đã được tập hợp lại thành cuốn sách thơ-ảnh “Theo dấu chân Đại tướng”, do Nhà xuất bản Thông tấn ấn hành. Những bài thơ và bức ảnh trong triển lãm đã được tập hợp lại thành cuốn sách thơ-ảnh “Theo dấu chân Đại tướng”, do Nhà xuất bản Thông tấn ấn hành. Cuốn sách gồm 3 chủ đề “Làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”, “Vị tướng trong lòng dân” và “Sáng mãi ngàn năm”.
Tại buổi tọa đàm với nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà giáo cũng như các bạn bè của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung, các diễn giả đều cho rằng, trong “Theo dấu chân Đại tướng”, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua những vần thơ của bà không chỉ là một vị anh hùng với những chiến công lừng lẫy, hiển hách, mà còn có cả những khoảnh khắc đời thường hết sức gần gũi, dung dị, cũng như tình cảm yêu mến kính trọng mà nhân dân cả nước qua nhiều thế hệ dành cho ông. Tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung cũng dành những vần thơ xúc động tiễn đưa Đại tướng trong ngày Quốc tang đưa ông về với đất mẹ Quảng Bình.
Bà Phùng Thị Mỹ (Giám đốc Nhà xuất bản Thông tấn) cho biết, ngay từ khi tiếp nhận bản thảo tập thơ, ê-kíp thực hiện đã rất xúc động. “Đây là sự tri ân sâu sắc của Nhà xuất bản đối với một nhân vật đặc biệt là Đại tướng. Nhóm biên tập đã rất nỗ lực để cho ra một cuốn sách đẹp cả về hình thức và nội dung. Chúng tôi đã cố gắng chuyển tải tinh thần của triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng”, với phần thơ và ảnh được thể hiện rõ ràng” - bà Phùng Thị Mỹ nói.
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường năm nay đã 87 tuổi, là bạn học của phu quân tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung chia sẻ: “Từ 110 bài thơ của mình, tác giả đã tự tay tìm những bức ảnh trong kho của Thông tấn xã Việt Nam để lựa chọn bức ảnh phù hợp nhất với mỗi bài thơ. Thơ của bà không chỉ xuất phát từ trái tìm mà còn chứng minh được đúng thực tế đang diễn ra”.
Nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ: “Cuốn sách có ý nghĩa phổ biến rộng lớn, thơ giản dị dân dã, và có nhiều ảnh tư liệu quý. Sách không chỉ nói về những chiến công lớn mà còn có cả những hình ảnh tư liệu quý”.
Xúc động với những câu chuyện về triển lãm, về Đại tướng của các diễn giả tham gia chương trình, tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung đã bày tỏ sự biết ơn đối với những người đã đóng góp công sức vào bộ sách và triển lãm. “Phía Thông tấn xã Việt Nam đã cho tôi vào kho ảnh để chọn những bức ảnh phù hợp nhất để các bài thơ thêm giá trị và hấp dẫn. Đại tá, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng đã cho tôi ảnh tư liệu để tổ chức triển lãm. Nhiều người góp tay vào tổ chức triển lãm và thực hiện cuốn sách cũng là học trò đã lâu của tôi, muốn đồng hành cùng tôi trong hai công việc quan trọng này”.
Tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung cho biết lần xuất bản sách này, chỉ in 500 cuốn “Theo dấu chân Đại tướng”. Toàn bộ số sách không để bán, mặc dù có khá nhiều người hỏi mua, mà bà để dành tặng các cựu chiến binh từng chiến đấu tại chiến trường Điện Biên hiện vẫn còn sống tại các địa phương, tặng các bảo tàng, các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài. “Tôi mong muốn giá trị và ý nghĩa của cuốn sách được lan tỏa” - tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung chia sẻ.
Theo NDĐT