Ra mắt Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển sông Hồng

Thứ tư, ngày 11/09/2013

Sáng 10-9, tại thành phố Nam Định, Ủy ban nhân dân các tỉnh Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình tổ chức ra mắt Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển sông Hồng và ký thỏa thuận hợp tác thực hiện Quy chế quản lý bảo tồn và phát triển bền vững Khu Dự trữ sinh quyển đất ngập nước liên tỉnh ven biển đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Theo đó, ông Nguyễn Viết Hưng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định làm Trưởng ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển sông Hồng; các ông Phạm Văn Ca - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình và Đinh Văn Điền - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình làm Phó trưởng Ban.

Trong nhiệm kỳ 2013-2018, Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển sông Hồng sẽ xây dựng Khu Dự trữ đạt được sự hài hòa giữa phát triển bền vững sinh kế của cộng đồng với bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng tốt với biến dổi khí hậu.

Các mục tiêu cụ thể trong nhiệm kỳ này được xác định là bảo tồn, duy trì sinh kế cộng đồng bền vững; thích ứng tốt với biến đổi khí hậu; tăng cường đồng quản lý Khu Dự trữ và khai thác các nguồn lợi tự nhiên.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý thực hiện xã hội hóa công tác quản lý Khu Dự trữ sinh quyển, phối hợp với các bên liên quan xây dựng và quảng bá hình ảnh Khu Dự trữ nhằm phát huy lợi thế tiềm năng của khu vực để phát triển kinh tế-xã hội-môi trường và du lịch bền vững...

Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình đã ký thỏa thuận hợp tác thực hiện Quy chế quản lý bảo tồn và phát triển bền vững Khu Dự trữ sinh quyển đất ngập nước liên tỉnh ven biển đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Theo đó, ba tỉnh thống nhất thực hiện nội dung bản quy chế đã được Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phê duyệt; đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện tốt quy chế.

Cụ thể là điều hòa các mối quan hệ giữa con người và môi trường trong phạm vi Khu Dự trữ sinh quyển sông Hồng; bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa truyền thống của Khu Dự trữ.

Quy chế cũng chỉ rõ việc phát triển kinh tế xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học; sử dụng bền vững các thành phần về đa dạng sinh học; bảo đảm sự cân bằng của hệ sinh thái nhân văn Khu Dự trữ sinh quyển sông Hồng.

Khu Dự trữ sinh quyển sông Hồng có tổng diện tích 105.557 ha, với dân số hơn 128.000 người, thuộc 6 huyện gồm Thái Thụy, Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) và Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình). Khu Dự trữ có 3 phân khu là vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp./.

 (Theo TTXVN)