Quyết tâm vượt khó hoàn thành kế hoạch năm học mới
(BDO) Sáng 23-9, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022. Tham dự có ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Chương trình được kết nối trực tuyến với các điểm cầu tại các địa phương. Trong năm học vừa qua, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng chất lượng dạy và học ở các cấp học tiếp tục được nâng lên; kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt kết quả cao...
Ông Nguyễn Lộc Hà (bìa trái), Ủy viên Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhật Hằng (thứ hai từ phải sang), Giám đốc Sở GD-ĐT trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú của Chủ tịch nước cho các nhà giáo
Kết quả từ sự nỗ lực
Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên ngành GD-ĐT triển khai đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trong các trường học trên khắp cả nước, bắt đầu với lớp 1. Đây cũng là năm học mà ngành giáo dục đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức khi thực hiện nhiệm vụ mới trong trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19. Tại Bình Dương, từ cuối năm học, học sinh (HS) trong tỉnh tạm dừng đến trường và chuyển sang học trực tuyến. Thời điểm ấy, thầy và trò nhiều trường đang trong giai đoạn nước rút ôn thi tốt nghiệp THPT, nhưng do dịch bệnh nên đã chuyển sang dạy và ôn tập từ xa.
Năm học 2021-2022, ngành GD-ĐT đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có một số nhiệm vụ là: Xây dựng và triển khai kế hoạch năm học mới linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 tại địa phương; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD-ĐT, gắn với đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học; triển khai kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên các cấp; chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS; thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”... |
Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT đánh giá, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian trẻ em mầm non phải ở nhà trong thời gian dài nên ảnh hưởng đến nề nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi. Các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức dạy học trực tiếp tại trường khi có đủ điều kiện và dạy học trực tuyến, trên truyền hình, qua mạng internet khi thực hiện giãn cách nên chất lượng dạy và học bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực sử dụng công nghệ thông tin của một bộ phận giáo viên, kỹ năng tự học của một bộ phận HS và phát triển nguồn học liệu số phục vụ dạy và học trực tuyến chưa đáp ứng được yêu cầu.
Một khó khăn khác là nhiều đơn vị, trường học có số HS/lớp vượt cao so với quy định, nhất là các trường tiểu học, nhiều trường giảm lớp học 2 buổi/ ngày do thiếu phòng học. Đặc biệt, nhiều trường thực hiện dạy học 1 buổi/ngày đối với lớp 1, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 về thời gian, thời lượng học tập.
Khó khăn chồng chất, nhưng với sự tận tâm, tất cả vì HS thân yêu, các thầy cô đã nỗ lực tổ chức hiệu quả dạy học trực tuyến. Cuối năm học, ngành GD-ĐT tỉnh đã gặt hái được kết quả đáng trân trọng. Chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục được nâng cao; chất lượng giáo dục mũi nhọn được duy trì; chất lượng công tác phổ cập giáo dục được giữ vững và nâng cao. Đặc biệt, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Bình Dương đã được xướng tên khi đứng nhất cả nước về kết quả thi. Cụ thể, điểm trung bình chung các môn thi là 7,030 điểm, đứng đầu cả nước; điểm trung bình của 7/9 môn thi được xếp hạng nhất, nhì, ba trên cả nước; kết quả đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ lớp 12 có các môn toán, vật lý, sinh học có độ lệch thấp nhất trong 63 tỉnh, thành.
Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học mới
Năm học mới 2021-2022 đã đến, nhưng tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn còn phức tạp. Một lần nữa, thầy trò các trường phải tổ chức dạy học trực tuyến. Lãnh đạo ngành GD-ĐT nhìn nhận, giữa bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp, giải pháp chung sống trong an toàn là điều không thể tránh khỏi. Cùng với cả nước, ngành giáo dục cũng phải thích nghi bằng nhiều biện pháp vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Trong đó, ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục làm nền tảng để triển khai hiệu quả các hoạt động giảng dạy là yêu cầu đặt ra trong điều kiện hiện nay. Theo đó, Sở GD-ĐT đã và đang xây dựng kho học liệu bài giảng cho HS năm học 2021-2022 ở các môn: Ngữ văn, toán, tiếng Anh lớp 9, lớp 12 và các môn: Toán, tiếng Việt đối với lớp 5.
Trước thềm năm học mới, Sở GD-ĐT đã đề nghị lãnh đạo các cơ sở giáo dục cần đổi mới phương thức quản lý, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường và các kịch bản thích ứng an toàn với dịch Covid-19 với tinh thần trách nhiệm cao; năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm; tiếp tục tăng quyền chủ động cho giáo viên. Ngành cũng đề nghị lãnh đạo các đơn vị cần nắm rõ những thay đổi trong chương trình giáo dục phổ thông mới là không chỉ dạy kiến thức mà cần chú trọng dạy đạo đức, nhân cách và dạy người, phát triển toàn diện cho HS với 5 phẩm chất và 10 năng lực. Đặc biệt, sau 2 tháng học trực tuyến, tùy vào tình hình diễn biến thực tế tại địa phương, các phòng GD-ĐT, các cơ sở giáo dục ở các huyện, thị, thành phố cần chủ động, linh hoạt sử dụng các phương án phù hợp trong tổ chức hoạt động dạy học.
Ông NGUYỄN LỘC HÀ, Ủy viên Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Ngành GD-ĐT chủ động xây dựng và có phương án triển khai kế hoạch năm học mới linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương. Trong đó, triển khai có hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch, phối hợp với ngành y tế, chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19 dự báo còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp; tăng cường công tác giám sát y tế trong trường học, không để dịch bệnh lây lan; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được... Tiến sĩ NGUYỄN THỊ NHẬT HẰNG, Giám đốc Sở GD-ĐT: Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đòi hỏi các nhà quản lý, các cán bộ giảng viên cần tiếp tục thể hiện tinh thần: Mỗi thầy giáo, cô giáo hãy trở thành tấm gương tự học và sáng tạo trong từng lĩnh vực. Hãy biến những khó khăn trước mắt trở thành cơ hội khơi dậy sức mạnh tiềm ẩn bên trong mỗi cán bộ quản lý, mỗi người giáo viên và HS. Tôi tin rằng, với sự chung sức, đồng lòng, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và HS tỉnh nhà sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn, đồng tâm hiệp lực để cùng thực hiện thành công nhiệm vụ trong năm học mới. Bà HUỲNH THỊ MỸ NGÂN, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thuận An: Trước tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.Thuận An còn phức tạp, một số nhà giáo vừa tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch vừa giảng dạy. Để bảo đảm hoạt động dạy học, Phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường phân công nguồn giáo viên còn lại hỗ trợ đội ngũ này giảng dạy trực tuyến. Dù khó khăn, nhưng ngành vẫn thực hiện đưa vào chương trình tuần 1 ở cấp THCS trở lên từ 20-9. Riêng cấp tiểu học, giáo viên kết nối trực tuyến quy tụ HS, giúp các em làm quen trực tuyến ở lớp 1, ôn tập kiến thức cũ, tạo điều kiện cho việc thực hiện chương trình tuần 1 từ ngày 4-10. |
HỒNG THÁI