Quyết tâm ngăn chặn dịch để ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh
(BDO) Đây là ý kiến chỉ đạo của ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) và phục hồi sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm 2021 vào chiều 12-8.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần tôn Đông Á. Ảnh: XUÂN THI
Nỗ lực duy trì tăng trưởng
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, dịch bệnh Covid-19 đang tác động rất mạnh và nhiều chiều lên tất cả các lĩnh vực KT-XH của tỉnh. Trong tháng 7, tuy một số chỉ tiêu KT-XH sút giảm so với tháng 6 và cùng kỳ, nhưng những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm vẫn đem lại những đóng góp quan trọng, làm nền tảng cho các chỉ tiêu chủ yếu của tỉnh trong 7 tháng tăng so với cùng kỳ.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Những tháng còn lại của năm 2021 vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa để đạt cao nhất các mục tiêu đã đề ra. Yêu cầu các cấp, các ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án; cụ thể hóa các chỉ thị, kế hoạch của UBND tỉnh tại từng địa phương, từng đơn vị phụ trách; bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để triển khai các biện pháp cần thiết, phấn đấu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH ở mức cao nhất. |
Trong 7 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,3% so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 20,3 tỷ USD, tăng 43,5%, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 15,85 tỷ USD, tăng 43,7% so với cùng, xuất siêu gần 4,5 tỷ USD. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 41.000 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ, tổng chi ngân sách địa phương ước tính 7.600 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ; giá trị giải ngân vốn đầu tư công là 2.578 tỷ đồng, đạt 20,9% kế hoạch điều chỉnh và đạt 25,2% kế hoạch Trung ương giao. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021 tổng vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới vẫn tăng (gần 20%) và số doanh nghiệp đăng ký tăng vốn rất cao (hơn 83%) so với cùng kỳ… Hiện toàn tỉnh đã có 3.239 DN với 270.733 lao động đăng ký tham gia sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm” (trong các KCN chiếm 42,6% về số lượng DN và 53,4% số lao động tham gia sản xuất).
Phấn đấu phát triển ở mức cao nhất
Trong thời gian tới, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt, dự báo tình hình KT-XH của tỉnh sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đối với các DN, mặc dù đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để tránh đứt gãy sản xuất, tuy nhiên hiệu quả của các giải pháp chưa thật sự đạt được như mong đợi. Khó khăn mà các DN đang tiếp tục đối mặt, đặc biệt là thiếu hụt lao động do công nhân chưa trở lại Bình Dương làm việc hoặc DN phải tuyển dụng lao động mới, mất thời gian đào tạo lại để đáp ứng nhu cầu sản xuất… sẽ ảnh hưởng đến khả năng khôi phục sản xuất và chỉ tiêu phát triển công nghiệp, dịch vụ trong những tháng cuối năm.
Ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở KH&ĐT, nhận định trước bối cảnh đó, việc đánh giá đúng thực trạng tình hình của tỉnh từ đầu năm đến nay và dự báo cho cả năm 2021 sẽ là cơ sở quan trọng để tiếp tục cập nhật, đánh giá khách quan, toàn diện để đề ra các giải pháp cho những tháng cuối năm. Tác động của Covid-19 tiếp tục khó lường đối với phát triển KT-XH năm 2021 của tỉnh. Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu các nguồn thông tin dự báo chung về tình hình KT-XH Việt Nam năm 2021 và kết quả thực hiện qua 7 tháng đầu năm của Bình Dương để xây dựng và đề xuất 2 kịch bản tăng trưởng những tháng cuối năm.
“Việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2021 chủ yếu phụ thuộc vào việc phục hồi sản xuất, kinh doanh của DN. Theo đó, hiệu quả và thời gian không chế dịch bệnh sẽ quyết định đến sự ổn định lao động, quá trình phục hồi hoạt động của DN và đưa địa phương vào trạng thái “bình thường mới” giai đoạn sau giãn cách. Do đó, kiến nghị không điều chỉnh kế hoạch phát triển KT-XH (năm 2021, tỉnh đặt mục tiêu GRDP tăng trưởng từ 8,5 - 8,7% trở lên). Điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận khả năng cao phải đánh đổi với việc không hoàn thành nhiều mục tiêu kế hoạch năm 2021, để giữ quyết tâm cao nhất nhằm huy động sức mạnh tổng lực của toàn bộ hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng DN đồng lòng phấn đấu để thực hiện từng chỉ tiêu, lĩnh vực ở mức cao nhất trong điều kiện khó khăn”, ông Mai Bá Trước cho biết.
Chống dịch vẫn đặt lên hàng đầu
Thảo luận tại buổi làm việc, các ngành chức năng đều nhận định, từ nay đến cuối năm dự báo vẫn sẽ có nhiều khó khăn, nhưng nếu sớm nhận diện và tận dụng tốt các dư địa, sẽ tạo động lực mạnh mẽ để tỉnh tăng tốc phát triển kinh tế. Trong đó, điều kiện quan trọng đầu tiên là phải tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn với những biện pháp chỉ đạo, điều hành linh hoạt, để bảo đảm địa bàn an toàn, phục vụ cho phát triển.
Phát biểu kết luận, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với báo cáo kế hoạch phát triển KT-XH và phục hồi sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm 2021 của Sở KH&ĐT. Ông Võ Văn Minh nhấn mạnh trước mắt, tỉnh xác định phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất hiện nay. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên chính là quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết; đồng thời kiên định mục tiêu kép.
Để thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và phục hồi sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm 2021, ông Võ Văn Minh đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tập trung thực hiện thần tốc hơn công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền và huy động cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tận dụng tối đa thời gian và nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ với tinh thần chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo để thực hiện các nhiệm vụ. Thần tốc hơn nữa trong tiêm phủ vắc xin, nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho lao động tại các DN thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” nhằm giảm gánh nặng tài chính cho DN. Bảo vệ vững chắc “vùng xanh” và từng bước “xanh hóa” một số địa bàn khả thi. Tập trung tiêm vắc xin, trước mắt ưu tiên công nhân lao động của các DN bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh và có nhu cầu sản xuất sớm, sản xuất hàng hóa quan trọng, có giá trị cao góp phần cung cấp cho các chuỗi cung ứng…
2 kịch bản phát triển kinh tế những tháng cuối năm Kịch bản 1: Trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 10-2021 (đạt mục tiêu tiêm ngừa trên 95% dân số để tiệm cận miễn dịch cộng đồng và tình hình kiểm soát dịch bệnh của các tỉnh trong vùng đồng loạt được kiểm soát tốt), tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN được phục hồi nhanh chóng. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp được phục hồi ở mức trên 8%, xuất khẩu được duy trì tăng trên 26%, tổng mức đầu tư xã hội đạt trên 14%... dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP sẽ đạt khoảng 7%, thấp hơn kế hoạch 8,5 - 8,7% đề ra. Kịch bản 2: Trường hợp đến tháng 12 dịch bệnh mới được kiểm soát, theo đó chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ phục hồi ở mức trên 7,8%, xuất khẩu được duy trì tăng khoảng 12%, tổng mức đầu tư xã hội đạt trên 12,3%... dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ đạt khoảng 6,4%, thấp hơn kế hoạch 8,5 - 8,7% đề ra. |
NGỌC THANH