Quyết tâm làm lại cuộc đời!

Thứ tư, ngày 03/07/2013

Tọa lạc tại xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, Trung tâm Giáo dục - Lao động - Tạo việc làm tỉnh có gần 700 học viên (HV) đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. HV là đối tượng nghiện ma túy (đối tượng 06). Ở đây, các HV được học văn hóa, học nghề và được vui chơi… từ đó, góp phần “cứu” các em khỏi cơn “khát” thuốc, làm lại cuộc đời.

 Một phút nông nổi!

Vượt gần 60 cây số, đến thăm trung tâm, gặp trao đổi với các HV, chúng tôi nhận thấy sự hối lỗi trong từng câu nói, hành động của các bạn. Trong số những HV có người tìm đến ma túy vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, gia đình xào xáo, mất người thân, mất người yêu… hay, chỉ vì thể hiện máu liều. 1.001 lý do để họ vướng vào ma túy, nhưng chung quy họ đều mắc sai lầm vì không biết làm chủ bản thân, thiếu lối sống lành mạnh.

Lê Thị Ngọc P. (SN 1990, quê Vĩnh Long), ba mất khi cô còn nhỏ, mẹ bước thêm bước nữa. Học xong lớp 11 vì không có điều kiện học tiếp, P. lên Bình Dương tìm việc làm, với mong muốn có tiền thực hiện ước mơ trở thành cô giáo. Làm công nhân được 2 tháng, cô quen bạn trai là quản đốc phân xưởng. Cô gái quê với ước mơ “đổi đời” đã sai lầm khi yêu phải “con nghiện”. Cứ thế cuộc sống cô lạc trong “thiên đường ảo” của những cơn say thuốc. Khi người yêu bị bắt vì mua bán ma túy, cô cũng bị đưa vào trung tâm cai nghiện. “Em hối hận lắm, chỉ vì một phút nông nổi em đã đánh mất cả cuộc đời, ước mơ tương lai hạnh phúc”, P. thủ thỉ.  

  Các HV làm gia công điện công nghiệp cho các công ty, xí nghiệp

Là đứa con duy nhất trong gia đình khá giả nên bao nhiêu tình thương yêu, ba mẹ đều dành trọn cho Trần Kim H. (SN 1983, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một). Cuộc sống êm ả của “cậu ấm” tồn tại không bao lâu thì ba mẹ lần lượt qua đời, khi cậu được 14 tuổi. Sống trong căn nhà rộng lớn, hưởng gia tài kếch xù, nhưng H. vẫn nỗ lực học thật giỏi để “tặng” niềm vui cho ba mẹ nơi “chín suối”. Nỗ lực cũng “đơm hoa kết trái” khi H. đậu vào trường Đại học Bình Dương với số điểm cao. Năm 2 đại học, cậu bắt đầu yêu, hạnh phúc như mỉm cười với H. Thế nhưng, chuyện tình cảm không kéo dài được lâu. Quá đau buồn, H. lao vào nhậu nhẹt, ăn chơi và rồi bị nghiện. H. nói: “Lúc đó, tôi nghĩ mình tồn tại trên cuộc đời này làm gì khi không có người thân, người yêu và bạn tri kỷ. Tôi như điên dại khi màng đêm buông xuống, ngôi nhà vắng vẻ lại càng lạnh lẽo hơn. Rồi bị bạn bè rủ dùng ma túy, tôi đã thử và nghiện năm 2009”.

Đây chỉ là hai trong số hàng trăm “con nghiện” bộc bạch về một phút nông nổi của mình để rồi ân hận cả đời. Khi đã vướng vào ma túy, nhiều người quyết tâm từ bỏ, nhưng “cái chết trắng” cứ lờn vờn trước mặt. Để rồi, sau những cơn “phê thuốc” họ lại nuốt nước mắt nhìn gia đình, người thân, bạn bè đau buồn.

Tìm lại giấc mơ…

“Trên đời ai cũng từng mắc sai lầm, can đảm đứng lên sau những vấp ngã mới thật sự trưởng thành”, đó là câu nói mà những giáo viên, quản giáo nơi đây nhắc nhở HV của mình. Tại trung tâm các em sống bên bạn bè đồng cảnh, được thầy cô nghiêm khắc dạy dỗ, cảm hóa bằng tình cảm yêu thương, định hướng tương lai… dần dần những “con nghiện” đã hòa nhập, nỗ lực thi đua làm nhiều việc tốt để “tìm” lại ước mơ!

Mỗi HV mới đến trung tâm sẽ được áp dụng biện pháp cắt cơn “khát” thuốc trong 7 - 10 ngày. Sau khi đã thoát khỏi cơn thèm thuốc, HV được học nội quy, nếp sống “quân sự hóa” tại đây. Tiếp đó, các em sẽ được học văn hóa, học nghề theo sở thích. Hiện tại, trung tâm có các lớp: Điện công nghiệp, may, tạo mẫu tóc, sửa xe gắn máy, cạo mủ cao su. Trong suốt 24 tháng cai nghiện, các em vừa được học nghề, học văn hóa, học đạo đức và lao động. Với những hoạt động thiết thực đó, nhiều HV đã bày tỏ niềm vui khi được sống đúng, sống tốt, sống thật với bản chất của mình. Khánh L. (quê Đồng Tháp), nói: “Ở đây mọi người rất tốt với em. Có gì không đúng thầy cô sẽ chỉ dẫn. Gần 2 năm sống ở đây, em trưởng thành hơn và tự nhủ mình sẽ không phạm sai lầm để làm buồn lòng mọi người nữa”. Cũng như bao HV khác, ai cũng rất mong ngày về lại gia đình. Hiện tại, Khánh L., đang theo học nghề tạo mẫu tóc. L. cho hay: “Em đang cố gắng học nghề và mong sau này, khi nhắc đến tên em, gia đình sẽ không còn xấu hổ với hàng xóm”.

Ngoài những hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích, các HV đều được tham gia vào các phong trào của trung tâm phát động hàng năm. Phó phòng Phòng Giáo dục - Đoàn Phước Hậu, cho biết: “Phần lớn những em mới vào đây đều ít nói, mặc cảm bản thân. Qua thời gian được cán bộ uốn nắn, các em có nhiều tiến triển và hòa nhập tốt với bạn bè. Tại đây, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động thi đua nhằm giúp các em biết rõ giá trị của cuộc sống và phát huy khả năng của mình. Qua nhiều hội thi thể thao, văn nghệ, làm báo tường… nhiều tài năng đã được phát hiện và khuyến khích phát triển”.

Theo lời kể của nhiều cán bộ tại trung tâm: Nhiều em khi ra cai nghiện xong tìm cho mình một công việc ổn định và quay lại thăm trung tâm, thăm thầy cô đã tỏ ý hối tiếc vì những việc mình làm trong quá khứ. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc mà mỗi cán bộ nơi đây tự hào. Họ tự nhủ sẽ cố gắng uốn nắn các em trở thành những mầm xanh khỏe mạnh cho xã hội.

 

 THIÊN LÝ