Quyết tâm đưa công cuộc chuyển đổi số lên tầm cao mới

Thứ ba, ngày 10/10/2023

(BDO) Với quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Bình Dương đã thực hiện ngày càng quyết liệt nhiệm vụ chuyển đổi số. Trong 2 năm liền (2021, 2022), chỉ số xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh xếp hạng cao trong 63 tỉnh, thành phố. Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của tỉnh chuyển biến theo chiều hướng tích cực, năm 2022 tăng 9 bậc so với năm 2020 và tăng 3 bậc so với năm 2021, đứng hạng 19 cả nước và hạng 3 khu vực miền Đông Nam bộ.

Chữ ký số ngày càng phát huy hiệu quả

Ngày nay, chữ ký số (CKS) ngày càng được sử dụng phổ biến hơn không chỉ trong các hoạt động giao dịch điện tử giữa các doanh nghiệp mà cũng đang được nhiều người lựa chọn sử dụng. Với CKS đã được đăng ký, cán bộ, đảng viên và người dân có thể yên tâm sử dụng trong mọi hoạt động, bao gồm: Giao dịch điện tử trên hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia, của tỉnh và bộ phận “một cửa” điện tử cấp xã; xác thực cá nhân trong các giao dịch chứng khoán, ngân hàng; ký số trong các giao dịch hợp đồng điện tử, hợp đồng lao động…

Ông Nguyễn Văn Lợi (bên phải, thứ ba từ phải sang), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra công tác đăng ký kích hoạt định danh điện tử của người dân trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Cô Phạm Thị Tùng Oanh, Hiệu trưởng trường THPT Lê Lợi (huyện Bắc Tân Uyên), cho biết CKS là một loại chữ ký điện tử, thay thế hoàn toàn chữ ký thường bằng tay và được thao tác trên các thiết bị thông minh. Sử dụng CKS, bản thân cô thấy bảo đảm an toàn, chính xác và bảo mật cho các văn bản, giúp tiết kiệm nhờ tối ưu chi phí in ấn. CKS cũng giúp cô thuận tiện hơn trong thực hiện báo cáo của trường cũng như quản lý hồ sơ, lên kế hoạch và phê duyệt công văn… Tuy nhiên, theo cô Oanh, cần tối ưu hóa hơn nữa các tính năng của CKS để sử dụng dễ dàng và thuận tiện hơn.

Để các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng phối hợp chặt chẽ cùng địa phương trong các hoạt động phổ biến kiến thức về chứng thư số đến người dân trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc phối hợp triển khai thúc đẩy phổ cập chứng thư số cho người dân. Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) đã tiến hành tích hợp CKS vào Cổng dịch vụ công của 17 địa phương trên toàn quốc, trong đó có Bình Dương.

Mới đây, Bình Dương cũng đã công bố danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung và danh mục dịch vụ chia sẻ dữ liệu của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh gồm 46 CSDL dùng chung cấp tỉnh, 23 danh mục dịch vụ chia sẻ dữ liệu của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện khai thác, sử dụng hiệu quả CSDL dùng chung và dịch vụ chia sẻ dữ liệu của tỉnh. Các cơ quan, đơn vị có hệ thống thông tin thuộc danh mục CSDL dùng chung và dịch vụ chia sẻ dữ liệu tỉnh quản lý, vận hành hệ thống thông tin, bảo đảm khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu; duy trì, cập nhật, cung cấp dữ liệu theo quy định.

Trong 9 tháng năm 2023, Bình Dương đã cấp 154 chứng thư số cơ quan và 2.149 chứng thư số cánhân; 279 SIM ký số (PKI). Tính đến nay, tỉnh đã cấp được 4.078 chứng thư số cánhân (trong đó có 299 SIM PKI); 807 chứng thư số cơ quan; cấp 10.373 tài khoản ký số tập trung cho ngành giáo dục và đào tạo.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh Bình Dương (IOC), tỷ lệ dân số trưởng thành Bình Dương có điện thoại thông minh đạt trên 80%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 82%; 89% người dân tiếp cận, có kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông. Tổ công nghệ số cộng đồng với 3.300 thành viên (dự kiến sẽ tăng lên 4.500 thành viên với định biên 1 thành viên hỗ trợ 220 hộ gia đình) đã được triển khai. Tổng số CKS được cấp cho công dân là 18.369 CKS.

Với nhiều ý nghĩa thiết thực của CKS, các cấp chính quyền Bình Dương đang phấn đấu đến hết năm 2023 sẽ cấp cho 100% công dân trên địa bàn để giúp người dân thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện các giao dịch điện tử.

Khai phá sức mạnh dữ liệu số tạo ra giá trị

Năm 2023 được khẳng định là “Năm Dữ liệu số quốc gia”, là năm phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới. Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã ban hành kế hoạch hành động trọng tâm cho Năm Dữ liệu số. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phê duyệt kế hoạch triển khai “Năm Dữ liệu số quốc gia”, với các hoạt động nhằm thúc đẩy quản trị dữ liệu trên môi trường số.

Đoàn học viên lớp cán bộ nguồn tỉnh Bến Tre tham quan Trung tâm Hành chính công và IOC Bình Dương. Ảnh: ĐỖ TRỌNG

Nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Thời gian qua, Bình Dương đã tổ chức thu thập, tích hợp dữ liệu và đến thời điểm hiện tại đã tích hợp hơn 1.000 chỉ số, phục vụ cho 3 mục đích chính là: Trực quan phục vụ điều hành; cung cấp dữ liệu mở cho người dân và doanh nghiệp với 227 bộ chỉ số; chia sẻ dùng chung 48 bộ chỉ số.

Theo ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, dữ liệu được khai thác mới có giá trị, khai thác càng nhiều đem lại giá trị càng lớn như dữ liệu dân cư, ngoài đem lại tiện ích như tích hợp căn cước công dân, hộ khẩu, giấy phép lái xe thì được khai thác để phân tích về dân cư, phân tích về lao động, an sinh xã hội... để từ đó có chính sách, kế hoạch chiến lược phát triển. Ngoài ra, dữ liệu tích hợp đủ nhiều có thể hỗ trợ dự báo xu hướng trong tương lai về phát triển kinh tế - xã hội. Người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng, khai thác dữ liệu để phục vụ các mục đích cá nhân hay khởi nghiệp và giá trị lớn nhất khi dữ liệu được sử dụng như một trong những nguyên liệu đầu vào sản xuất của doanh nghiệp số.

MINH HIẾU