Quyết liệt xử lý ổ dịch tả heo châu Phi ở Phú Giáo
(BDO) Chiều qua (21-5), UBND huyện Phú Giáo đã có buổi họp chính thức công bố dịch tả heo châu Phi xảy ra trên địa bàn xã Vĩnh Hòa. Tại cuộc họp, ông Tô Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện, đã chỉ đạo địa phương có dịch tạm dừng các hoạt động buôn bán, vận chuyển heo và các sản phẩm heo bị nhiễm bệnh ra vào vùng dịch.
Ngành chức năng tiêu hủy heo bị dịch tả heo châu Phi ở Phú Giáo. Ảnh: TIỂU MY
Tại cuộc họp chiều qua, lãnh đạo UBND huyện Phú Giáo đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương triển khai chống dịch, tập trung mọi nguồn lực để dập dịch, thực hiện khẩn trương các biện pháp để tránh lây lan. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện cũng yêu cầu các ngành, các cấp đẩy mạnh tuyên truyền để người chăn nuôi nắm vững, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học cho đàn heo, nâng cao ý thức bảo vệ đàn heo cho mình và các hộ lân cận.
Xử lý nhanh ổ dịch
Theo ông Trần Minh Đức, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Giáo, chiều 19- 5, sau khi nhận được thông tin có hiện tượng heo chết bất thường trên địa bàn xã Vĩnh Hòa, trạm đã tổ chức đoàn đi kiểm tra và xác minh cụ thể vụ việc tại 2 cơ sở chăn nuôi heo gồm cơ sở chăn nuôi của hộ ông Nguyễn Quang Tuyến, ấp Kỉnh Nhượng với tổng đàn 950 con và cơ sở chăn nuôi của hộ ông Nguyễn Quang Huy, ở ấp Bưng Riềng với tổng đàn 54 con. Ngày 20-5, trạm phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, UBND xã Vĩnh Hòa khẩn trương điều tra tình hình dịch bệnh tại 2 hộ chăn nuôi nói trên.
Tại thời điểm kiểm tra, heo mắc bệnh có các triệu chứng lâm sàng bao gồm sốt cao, bỏ ăn, ít vận động; tuy nhiên không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh dịch tả heo châu Phi. Do đó, để chẩn đoán chính xác bệnh, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng VI để xét nghiệm. Đến 21 giờ ngày 20-5, Chi cục Thú y vùng VI thông tin cho biết các mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả heo châu Phi.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Bình Dương, đến chiều 21-5, cơ sở chăn nuôi của hộ ông Nguyễn Quang Tuyến đã có 30 con heo thịt chết, một số heo nái có triệu chứng sốt, bỏ ăn; cơ sở chăn nuôi của hộ ông Nguyễn Quang Huy đã có 11 con heo nái chết. Hiện tổng đàn heo trên địa bàn huyện Phú Giáo là gần 300.000 con, chiếm khoảng 1/3 tổng đàn heo trong toàn tỉnh. Ông Đức cho biết, trong trường hợp bệnh dịch tả heo châu Phi lây lan trên diện rộng sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình chăn nuôi heo của huyện Phú Giáo nói riêng và của cả tỉnh, cụ thể là ảnh hưởng giá cả thị trường, gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi, thiệt hại ngân sách Nhà nước...
Ngay sau khi xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi tại xã Vĩnh Hòa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cùng UBND huyện Phú Giáo thống nhất thực hiện biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp là tiêu hủy toàn bộ số heo hiện còn lại tại 2 cơ sở chăn nuôi nói trên để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Tích cực hỗ trợ người chăn nuôi
Khi xã Vĩnh Hòa được xác định là vùng dịch (công bố dịch), ước tính có khoảng 26.500 con heo (gồm khoảng 20.000 con heo thịt, 2.500 heo nái chăn nuôi theo quy mô tập trung, 4.000 con heo chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ) không được vận chuyển ra khỏi địa bàn xã Vĩnh Hòa và các khu vực giáp ranh tối thiểu trong vòng 30 ngày theo quy định.
Ông Đức cho biết, ngay sau khi xảy ra bệnh dịch, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Giáo đã khẩn trương trình UBND huyện xem xét bổ sung kinh phí phòng chống dịch để ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo châu Phi; đề nghị chuẩn bị đầy đủ hóa chất tiêu độc khử trùng (gồm 100 lít hóa chất, 500kg vôi bột, 10 đôi ủng, 50 đôi găng tay, 1.500 cái khẩu trang…). Bên cạnh đó, trạm phối hợp với Phòng Kinh tế đã làm việc với UBND các xã, thị trấn để thống nhất địa điểm tiêu hủy heo mắc bệnh và các chốt kiểm dịch tạm thời trên địa bàn các xã, thị trấn.
Về việc hỗ trợ thiệt hại cho người dân có đàn heo bị nhiễm dịch bệnh, huyện căn cứ vào Quy định số 12/2018/QĐ- UBND của UBND tỉnh hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy với mức 38.000 đồng/ kg hơi đối với heo. Đồng thời, lãnh đạo huyện cũng đã chỉ đạo ngành chức năng bố trí kinh phí phục vụ việc ngăn chặn, phòng chống dịch và kinh phí hỗ trợ heo bị tiêu hủy theo quy định.
TIỂU MY