‘Quyết định cuối cùng về dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam vẫn là Quốc hội’

Thứ tư, ngày 01/09/2010

“Chính phủ đã đồng ý về mặt nguyên tắc việc tiếp nhận kỹ thuật hạ tầng của JICA và giao Bộ GTVT nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam để trình Quốc hội quyết định” - Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng khẳng định.

 

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 31-8, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh: “Trong kỳ họp Quốc hội tháng 6 vừa qua, Chính phủ đã trình báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam nhưng chưa được Quốc hội thông qua, vì vậy Chính phủ chưa có chủ trương đầu tư.

 

Tuy nhiên, Chính phủ nhận thấy việc xây dựng đường sắt cao tốc là cần thiết nên có chủ trương tiếp tục nghiên cứu dự án này. Chính phủ yêu cầu các bộ ngành lập quy hoạch chi tiết về dự án đường sắt cao tốc để trả lời những yêu cầu của Quốc hội”.

 

Nhật Bản là nước có tài trợ ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam, đặc biệt là về hạ tầng, trong đó các dự án hạ tầng giao thông quan trọng, quy mô lớn đã được xây dựng như: cầu Bãi Cháy, cầu Cần Thơ, hầm đèo Hải Vân và đang tiếp tục hợp tác về đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

 

Trước đó, Chính phủ trình Quốc hội bản báo cáo tiền khả thi về dự án đường sắt cao tốc trị giá 56 tỷ USD nhưng Quốc hội không thông qua. Quốc hội cho rằng nên xây dựng đường sắt cao tốc theo vùng, theo đoạn sẽ phù hợp hơn với tiềm lực kinh tế thực tế của Việt Nam.

 

Theo “gợi ý” của Quốc hội, Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật (vốn ODA) của Chính phủ Nhật Bản để lập dự án đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang, Hà Nội - Nội Bài thuộc dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM. Trong đó, Chính phủ ưu tiên đặc biệt đầu tư cho đường sắt cao tốc Hà Nội - Nội Bài nhằm nối sân bay Nội Bài với Thủ đô và tăng công suất hoạt động của cảng hàng không quốc tế này.

 

“Chính phủ có chủ trương tiếp tục nghiên cứu đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc nhưng dự án có khả thi hay không thì còn phải bàn tiếp. Dự án không sử dụng vốn Nhà nước mà là nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, trong sự bàn bạc của Bộ GTVT với tổ chức JICA không có điều kiện hay thỏa thuận ràng buộc nào về đầu tư dự án, việc chọn nhà đầu tư nào, công nghệ nào cũng chưa xác định” - ông Dũng khẳng định.

 

Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc tiếp nhận hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật dự án đường sắt cao tốc

 

Cũng theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: “Với đường sắt Bắc - Nam hiện tại thì giải phóng mặt bằng là chuyện bất khả thi nhưng với nhu cầu giao thông ngày càng tăng cao thì về lâu về dài chắc chắn phải có một tuyến đường sắt mới, điều đó đồng nghĩa với việc phải nghiên cứu và sớm lập quy hoạch về dự án tương lai. Theo quan điểm của tôi, phải xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam”.

 

Trả lời PV về việc khi nào Chính phủ trình Quốc hội báo cáo quy hoạch chi tiết siêu dự án đường sắt cao tốc, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: “Để trả lời được những yêu cầu của Quốc hội về dự án này thì cần phải đặt vấn đề sâu hơn, lập dự án theo đúng trình tự và phải lên được quy hoạch chi tiết dự án.

 

Trong đó, chỉ rõ mốc giới, mặt bằng, đất quy hoạch dự án trong vòng 40 - 50 năm; phải quan tâm đến công nghệ của dự án; xác định tương đối chính xác về hiệu quả kinh tế của dự án như thế nào; đánh giá được sự tác động đối với môi trường…

 

Việc lập dự án để báo cáo Quốc hội cũng phải mất khoảng 3 - 4 năm nên khi nào trình Quốc hội thì Chính phủ và Bộ GTVT chưa thể xác định được, còn quyết định cuối cùng vẫn là Quốc hội”.

Theo Dân Trí