Quý lắm những tấm lòng nhân ái...

Thứ ba, ngày 02/10/2018

(BDO) Thế là cuối cùng cô Trương Thị Sang (phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một), trưởng nhóm từ thiện ở Bình Dương, gồm những nhà hảo tâm đóng góp tiền xây cầu giao thông nông thôn (GTNT) ở miền Tây trong chương trình xóa cầu khỉ đã đồng ý để tôi cùng đi theo một chuyến, tìm hiểu và viết bài. Bởi trước đó rất nhiều lần đề nghị, cô chỉ ậm ừ cho qua, rằng việc cần làm thì làm thôi có gì to tát đâu mà kể công!


Cô Trương Thị Sang cùng các thành viên trong nhóm đang khảo sát cây cầu cần được xây dựng lại

Cơ duyên để cô Trương Thị Sang đến với công tác thiện nguyện xây cầu GTNT ở các tỉnh miền Tây đến rất tình cờ trong một lần cô nghe thông tin về một học sinh đi học bị rơi xuống cầu và tử vong. Khắc khoải về những nỗi niềm của bà con còn khó khăn nơi vùng sâu, vùng xa, cô Sang đã nghĩ rằng mình phải làm gì đó giúp mọi người. Một cái duyên tình cờ nữa là trong một dịp đi dự họp mặt Thanh niên xung phong ở thủ đô Hà Nội, cô Sang gặp cô Nguyễn Thị Vui, cán bộ cựu chiến binh xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Thế là hai người bạn già đã cùng bàn bạc đi đến thống nhất cách làm. Bắt đầu sẽ khảo sát những nơi khó khăn về cầu GTNT, xóa cầu khỉ để bà con đi lại, học sinh đến trường thuận lợi hơn. Nhiều năm qua nhóm từ thiện của cô Sang cùng những nhà hảo tâm ở Bình Dương đã xây gần 40 cây cầu GTNT ở các tỉnh miền Tây. Bên cạnh còn có 5 cây cầu ở Giồng Trôm, Bến Tre đang được nhóm khảo sát để thực hiện trong thời gian tới.

Trong chuyến đi gần đây nhất, đoàn cũng đã đến ấp Linh Quy, xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre để khảo sát các cây cầu cần được giúp đỡ xây dựng. Chặng đường đưa chúng tôi đến ấp Linh Quy ghập ghềnh, khúc khuỷu với những con đường ngoằn ngoèo len qua các vườn cây cam quýt trĩu quả, ven rừng dừa nước chông chênh. Nhiều đoạn đường mọi người phải đi bộ vì không còn phương tiện nào vào được. Ông Lê Thành Chiến, Chủ tịch UBND xã Long Mỹ, cho biết cuối năm 2017, xã đã khảo sát thực tế và còn 16 cây cầu trên địa bàn cần được xây dựng. Thời gian qua đã nhận được sự hỗ trợ từ các đoàn từ thiện ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương để xây dựng hàng chục cây cầu GTNT giúp bà con đi lại dễ dàng hơn, giao thương buôn bán cũng thuận tiện.

Rời xã Long Mỹ, chúng tôi đến xã Bình Hòa để dự lễ khánh thành một cây cầu vừa mới xây dựng. Ông Trần Văn Hoàng Em, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa, cho biết chỉ tính từ năm 2018, xã đã xây được 20 cây cầu GTNT từ sự hỗ trợ kinh phí của nơi khác. Trong đó nhóm từ thiện Bình Dương đã tặng 3 cây cầu, tổng trị giá gần 50 triệu đồng tiền vật liệu xây dựng, tiền công làm cầu thì bà con ở các ấp trong xã ủng hộ. Xã Bình Hòa cũng đã thực hiện chương trình xóa cầu khỉ từ năm 1995 đến nay. Hiện tại xã không còn cầu khỉ nữa mà chỉ còn những cầu bê tông xuống cấp cần tu sửa. Hơn nữa những cây cầu cũ vì thiếu kinh phí nên làm rất nhỏ, chỉ 1m ngang, nay được cải tạo thành bề mặt cầu 2m ngang, có thành cầu để người dân đi lại an toàn, thuận tiện hơn.

Tham gia chuyến đi và chứng kiến cách làm rất thành tâm, thành ý của nhóm từ thiện của cô Trương Thị Sang cùng các nhà hảo tâm chúng tôi mới thấy trân quý tấm lòng nhân ái của những người con Bình Dương. Họ không hề quản ngại khó khăn mà luôn muốn giúp đỡ, chia sẻ với người khó khăn hơn mình. Trong chiếc túi nhỏ của cô Sang luôn có quyển sổ ghi chép đầy đủ số tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm. Cô cũng luôn đem theo bên mình cái thước dây để sẵn sàng đo đạc, khảo sát các cây cầu cũ, sau đó mới tính toán với nhóm về phương thức thực hiện. Trung bình cầu GTNT ở miền Tây ngang 2m, có lan can tay vịn, nhóm thực hiện kinh phí khoảng 1,5 triệu - 2 triệu đồng/m tùy vào điều kiện chuyển vật liệu dễ dàng hay khó khăn. Chiều dài khoảng 5 - 7m. Như thế, chỉ khoảng trên dưới 10 triệu đồng là có được một cây cầu nối nhịp bờ vui! Trong lần đi thực tế mới đây, chị Hồng (phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) cùng với một số người thân và bạn bè đăng ký ủng hộ 3 trong số 5 cây cầu sẽ xây dựng tại xã Long Mỹ, mỗi cây cầu trị giá khoảng 7 - 8 triệu đồng. Đáp lại tình cảm của nhóm từ thiện Bình Dương, người miền Tây luôn thể hiện sự chân tình, nồng ấm. Sau buổi khánh thành cầu GTNT và tặng quà cho bà con khó khăn, đoàn chúng tôi đã được cán bộ lãnh đạo, người dân địa phương tiếp đón thật ân cần.

Chia tay với bà con Bến Tre, chia tay với những cánh đồng vườn cây trái sum suê, cánh rừng dừa nước mênh mông, bước từng bước trên các con đường nhỏ nay đã được nối liền bởi những nhịp cầu vui, tôi càng thấy quý giá hơn tấm lòng của những người dân Bình Dương hiền hòa, mộc mạc. Niềm vui, hạnh phúc của họ như được nhân lên bội phần khi sẻ chia được phần nào khó khăn với bà con nơi vùng sông nước miền Tây.

QUỲNH NHƯ