Quy hoạch, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới ngành y tế: Tạo động lực phát triển mới

Thứ sáu, ngày 31/03/2023

(BDO)  Bình Dương là một trong những địa phương có quy mô, tốc độ phát triển kinh tế nhanh bậc nhất của cả nước và gia tăng nhanh dân số cơ học. Những năm qua, kết quả hoạt động của ngành y tế tỉnh chưa tạo được vị thế và chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân về chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới khám, chữa bệnh tỉnh nhà nhằm tạo động lực phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ của ngành y tế là điều cần thiết.

 Khám chữa bệnh cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

 Chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân

Những năm qua, cơ sở vật chất ngành y tế được quan tâm đầu tư nhưng việc tổ chức phát triển, triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh chưa đa dạng, chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Các cơ sở bệnh viện chuyên khoa (lao - bệnh phổi, tâm thần) nhiều lần chuyển đổi công năng phù hợp với từng giai đoạn nhưng chưa vận hành hết công suất. Y tế cơ sở chưa thực sự là trung tâm, là “người gác cổng” của hệ thống y tế. Các cơ sở y tế công lập vừa bảo đảm vận hành hiệu quả, cung ứng các dịch vụ có chất lượng, vừa phải bảo đảm tài chính cho hoạt động của đơn vị là nhiệm vụ hết sức khó khăn.

Số giường bệnh và nhân lực y tế, đặc biệt là số bác sĩ trên vạn dân thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước (đến năm 2021 chỉ đạt 20,02 giường bệnh/ vạn dân, 7,51 bác sĩ/vạn dân). Việc giao chỉ tiêu nhân lực y tế không dựa trên quy mô dân số dẫn đến quá tải tại các khu vực có mật độ dân số cao. Dự kiến cuối năm 2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 1.500 giường với trang thiết bị hiện đại sẽ đưa vào hoạt động. Đây là bệnh viện hiện đại, có tầm cỡ khu vực. Ngoài ra tỉnh đã và đang xây dựng nhiều bệnh viện chuyên khoa, nâng cấp các trung tâm y tế, củng cố lại hệ thống y tế cơ sở. Đây là cơ hội rất lớn để nâng y tế tỉnh Bình Dương lên tầm cao mới.

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Trong những năm qua, chất lượng khám, chữa bệnh cũng đã được các đơn vị sự nghiệp chú trọng nâng cao thông qua việc đẩy mạnh đào tạo liên tục, đào tạo các đội ngũ ê kíp chuyên khoa, chuyên sâu từng lĩnh vực và đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật y tế chức năng cao, tích cực triển khai các kỹ thuật mới về lâm sàng và cận lâm sàng tiên tiến, hiện đại trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân. Một số bệnh viện chuyên khoa lần lượt ra đời cùng với chỉ tiêu giường bệnh cũng liên tục gia tăng; từ con số 17 giường bệnh/vạn dân vào những năm 2010, đến nay đã đạt 20,3 giường/vạn dân. Tuy nhiên, so với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới như hiện nay, chỉ số giường bệnh/vạn dân vẫn chưa thực sự đáp ứng hết được nhu cầu của người dân”.

Quy hoạch, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy

Quy hoạch mạng lưới khám, chữa bệnh nhằm sắp xếp lại toàn bộ hệ thống, từng bước tăng đầu tư giường bệnh, đầu tư chiều sâu, đa dạng hóa dịch vụ khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Mạng lưới y tế công lập sẽ được sắp xếp theo hướng tinh gọn, bảo đảm hoạt động hiệu quả. Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường sẽ là bệnh viên trung tâm của tỉnh, là cơ sở thực hành cho các trường y, dược trong và ngoài tỉnh; phấn đấu phát triển thành bệnh viện tuyến cuối của vùng Đông Nam bộ; phát triển các chuyên khoa sâu về tim mạch, chấn thương chỉnh hình, ung bướu, lão khoa và ngoại khoa. Ngành đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ xây dựng bệnh viện tuyến cuối 2.000 gường tại huyện Bàu Bàng do vốn đầu tư từ Trung ương. Một phần cơ sở bệnh viện tỉnh cũ (512 giường) sẽ thành lập Bệnh viện Phụ sản và sáp nhập Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản vào bệnh viện phụ sản, thành lập Bệnh viện Nhi đồng tại phần còn lại của cơ sở Bệnh viện 512 giường.

Cơ sở bệnh viện tỉnh cũ (512 giường) đã xây dựng từ rất lâu, nhiều khối nhà đã xuống cấp, kiến trúc lạc hậu, ngành y tế đề xuất xây dựng 2 bệnh viện mới tại vị trí quy hoạch cụm y tế tuyến tỉnh. Trong khi đó, cơ sở Bệnh viện Đa khoa ở Phú Chánh (TX.Tân Uyên) phát triển thành bệnh viện chuyên khoa lao - bệnh phổi - truyền nhiễm và bệnh viện tâm thần. Tỉnh cũng sẽ thành lập Trung tâm Cấp cứu ngoại viện, sắp xếp, bố trí hoặc xây dựng trụ sở mới cho trung tâm hoạt động. Cùng với đó, Bệnh viện Phục hồi chức năng sáp nhập vào Bệnh viện Y học cổ truyền, Trung tâm Sức khỏe lao động môi trường tỉnh sáp nhập vào Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và xây dựng Labo xét nghiệm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 3.

Tại tuyến huyện, tỉnh giữ nguyên mô hình hoạt động của 9 trung tâm y tế như hiện nay. Các trung tâm là đơn vị trực thuộc Sở Y tế, thực hiện 3 chức năng: Điều trị, dự phòng và dân số. Đối với các trung tâm y tế có quy mô hạng I, II, có thể thành lập bệnh viện nhưng luôn bảo đảm thực hiện 3 chức năng. Ngành y tế cũng tiếp tục phân cấp quản lý các cơ sở hành nghề trong lĩnh vực sức khỏe về phòng y tế các địa phương; bàn giao cơ sở Bệnh viện Phục hồi chức năng cho Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một; xây mới Trung tâm Y tế TX.Bến Cát và Trung tâm Y tế TP.Thuận An. Tỉnh cũng sẽ bố trí quỹ đất để xây dựng các bệnh viện, kêu gọi xã hội hóa xây dựng các bệnh viện chuyên khoa; khuyến khích, kêu gọi đầu tư để mỗi địa phương có ít nhất 1 bệnh viện đa khoa và thành lập mới các bệnh viện chuyên khoa ngoài công lập với quy mô tối thiểu 50 giường bệnh/ bệnh viện.

 Theo định hướng quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống y tế, tuyến xã sẽ chú trọng phát triển hoạt động khám, chữa bệnh tại các phòng khám đa khoa khu vực thông qua hình thức xã hội hóa hoặc phòng khám vệ tinh. Đối với các phường có đông dân cư, khuyến khích thành lập các phòng khám đa khoa tư nhân, thí điểm mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu hoặc mô hình “công - tư” chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình. Đối với các khu công nghiệp mới thành lập, quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng cơ sở y tế. Riêng các khu công nghiệp hiện hữu, chuyển đổi một phần công năng đất thương mại, dịch vụ thành đất y tế, kêu gọi xã hội hóa xây dựng phòng khám đa khoa tư nhân.

 HOÀNG LINH