Quy hoạch phát triển nông, lâm, ngư nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020: Chú trọng bảo đảm môi trường, nguồn nước cho phát triển công nghiệp và đô thị
Sáng 15-7, các thành viên của Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển ngành nông, lâm, ngư nghiệp (NLNN) tỉnh đã có buổi họp để nghe báo cáo tóm tắt Quy hoạch phát triển ngành NLNN tỉnh Bình Dương đến năm 2020. Theo đó, các thành viên trong Hội đồng thẩm định đã nghe đơn vị tư vấn báo cáo đánh giá thực trạng NLNN tỉnh đến năm 2009; quy hoạch phát triển NLNN tỉnh đến năm 2020, đồng thời cũng đã tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện thêm bản báo cáo quy hoạch. Theo đánh giá, trong giai đoạn 1997-2009, ngành NLNN của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguy cơ dịch bệnh và đặc biệt là quỹ đất nông nghiệp luôn có xu thế giảm nhưng tốc độ tăng trưởng luôn đạt khá với mức tăng bình quân là 4,92%. Trong đó ngư nghiệp tăng cao nhất với 14,2%; kế đến là nông nghiệp 4,8%/năm và thấp nhất là lâm nghiệp với 4,08%. Cơ cấu toàn khu vực NLNN nhìn chung ít có sự chuyển dịch, nông nghiệp vẫn luôn chiếm tỷ trọng 97 - 98%.
Tuy nhiên trong nội bộ từng ngành lại có sự chuyển dịch khá rõ nét theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ. Trong quy hoạch phát triển NLNN thời gian tới các thành viên trong Hội đồng thẩm định cho rằng cần có sự quy hoạch chi tiết và chặt chẽ trong việc hình thành nên các vùng chăn nuôi, trồng trọt, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chăn nuôi, trồng trọt phát triển tại các huyện phía bắc của tỉnh cần chú ý đến môi trường; trồng trọt tại các huyện phía nam cần phát triển theo hướng đô thị sinh thái; cần có cơ chế, chính sách hợp lý cho NLNN phát triển...
Phát biểu tại buổi họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Thanh Cung khẳng định định hướng phát triển NLNN của tỉnh trong thời gian tới là phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh; nông nghiệp cung cấp một phần lương thực, thực phẩm cho công nghiệp và đô thị; là nguồn nguyên liệu cho công nghiệp. Phát triển NLNN phải tôn trọng rừng lịch sử, rừng đầu nguồn để bảo đảm môi trường, nguồn nước cho phát triển công nghiệp và đô thị.
CAO SƠN