Quy hoạch phát triển khu công nghiệp: Kinh nghiệm của Bình Dương
Nhờ có cách làm hay, nhất là tập trung huy động được các nguồn lực tham gia nên chỉ sau 20 năm, các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh Bình Dương đã đạt được những bước tiến vượt bậc, đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bình Dương đã huy động tốt mọi nguồn lực đầu tư phát triển các KCN đồng bộ, hiện đại để thu hút nhiều nhà đầu tư. Trong ảnh: Một góc KCN Mỹ Phước (TX.Bến Cát)
Huy động nhiều nguồn lực
(BDO) Mốc son đầu tiên trong việc phát triển các KCN của tỉnh được đánh dấu bằng việc nhanh chóng huy động nguồn lực để phát triển KCN Sóng Thần vào tháng 9-1995. Đây được xem là bước phát triển đột phá, bởi trước đó Bình Dương là tỉnh thuần nông còn nhiều khó khăn, chưa có kinh nghiệm phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, việc Bình Dương chọn một dải đất rộng lớn ở phía bắc quốc lộ 1A, nằm tiếp giáp giữa Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh để phát triển công nghiệp là một quyết định đúng đắn.
Bước đột phá tiếp theo đến từ việc đầu tư phát triển KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) trên cơ sở liên doanh giữa Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) và Tập đoàn Serm Corp (Singapore). KCN VSIP ra đời năm 1996 là KCN xanh, sạch nằm trên tuyến giao thông huyết mạch (Quốc lộ 13), có những cơ chế hoạt động linh hoạt, tạo điều kiện tốt cho nhà đầu tư làm ăn. Sau gần 20 năm, với hạ tầng hiện đại đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư lớn, hai KCN VSIP I và VSIP II tại Bình Dương đến nay đã thu hút 430 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn gần 6 tỷ USD và 30 dự án của doanh nghiệp (DN) trong nước với số vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Liễu, Trưởng ban Quản lý các KCN cho biết, qua 20 năm xây dựng và phát triển các KCN, tỉnh Bình Dương đã hình thành hệ thống các KCN dựa trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và một đội ngũ DN phát triển hạ tầng KCN có năng lực tài chính, có uy tín và kinh nghiệm. Đây là tiền đề tốt để Bình Dương rộng cửa đón nhà đầu tư đến làm ăn trong thời gian tới, đặc biệt là sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam tham gia có hiệu lực. |
Ông Lý Hùng, Phó trưởng Ban quản lý KCN VSIP cho biết, nguồn vốn FDI chủ yếu tập trung vào các ngành có hàm lượng công nghệ cao như linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, dược phẩm… nên có khả năng cạnh tranh lớn. Có được điều này là nhờ KCN có hạ tầng tốt, bảo đảm môi trường đầu tư thuận lợi và phát triển bền vững nên mời gọi được các nhà đầu tư uy tín đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đầu tư đồng bộ hạ tầng KCN
Sau thành công của KCN VSIP, Bình Dương chủ trương đưa công nghiệp về phía bắc của tỉnh, một mặt tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế các huyện thuần nông, mặt khác nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xóa đói giảm nghèo cho người dân ở vùng nông thôn. Thực hiện chủ trương này, các KCN Mỹ Phước 1, 2, 3 lần lượt ra đời đã tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế địa phương.
Sau 12 năm đi vào hoạt động, các KCN Mỹ Phước đã thu hút hơn 400 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD. Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn đều tập trung vào đây như: Dự án sản xuất vỏ xe ô tô của Tập đoàn Kumho Asiana với vốn đầu tư 360 triệu USD; dự án của Công ty Giấy Graft Vina với vốn đầu tư 180 triệu USD; Tập đoàn Maruzen Foods Corporation đầu tư 104 triệu USD; dự án của Công ty TNHH Tomoku Việt Nam đầu tư gần 50 triệu USD…
Tính đến nay, tại các KCN do Becamex IDC đầu tư ở Bình Dương đã thu hút 900 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký hơn 10 tỷ USD. Đây chính là nguồn lực quan trọng góp phần lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tăng nguồn thu ngân sách hàng năm của địa phương.
Sự phát triển các KCN còn có tác động tích cực thúc đẩy Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Lãnh đạo nhiều DN cho rằng, với hệ thống hạ tầng tốt và đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối vùng thuận lợi, nguồn lao động dồi dào đã giúp các KCN VSIP I và II, Mỹ Phước, Bàu Bàng... tiếp tục hấp dẫn DN trong và ngoài nước đến đầu tư.
Để có được sự phát triển vượt bậc, gặt hái nhiều thành công như hôm nay, ngoài việc thực hiện nghiêm túc những chủ trương, đường lối của Đảng của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, việc phát triển thành công các KCN còn nhờ Bình Dương huy động được các nguồn lực phát triển từ trong và ngoài nước. Tính đến tháng 6-2015, tổng vốn đầu tư vào phát triển hạ tầng KCN khoảng hơn 10.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong quá trình phát triển hạ tầng các KCN, Bình Dương không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước mà huy động từ nhiều nguồn lực khác. Trong các KCN đã thành lập có 2 KCN có vốn đầu tư nước ngoài, các KCN còn lại do các tổ chức, cá nhân và DN trong nước làm chủ đầu tư.
Nhìn chung, các KCN được đầu tư theo hướng phát huy nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, trong đó khu vực kinh tế có vốn Nhà nước là chủ yếu. Đây là một thành công lớn của Bình Dương trong việc huy động các nguồn lực phát triển KCN và thực hiện chiến lược mời gọi đầu tư đến với tỉnh, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bình quân diện tích các Khu công nghiệp đạt 300 ha/khu
Đó là con số thống kê mới nhất từ Ban Quản lý các KCN Bình Dương. Theo đó, KCN lớn nhất là Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) với diện tích khoảng 997 ha và đang chuẩn bị mở rộng thêm 1.000 ha. KCN Bình Đường là KCN nhỏ nhất với diện tích chỉ khoảng 16,5 ha. Như vậy, so với năm 2005, quy mô về diện tích bình quân các KCN của Bình Dương tăng 1,6 lần. Được biết, quy mô diện tích KCN năm 2005 của tỉnh là 182 ha/khu.
Các KCN Bình Dương chủ yếu được phân bổ trên 6 huyện, thị xã, thành phố gồm TX.Dĩ An (6 khu, 713 ha), TX.Thuận An (3 KCN, 674,6 ha), TX.Tân Uyên (2 KCN, 1.620 ha), Bắc Tân Uyên (2 KCN, 563,4 ha), Bàu Bàng (1 KCN, 997 ha), TP.Thủ Dầu Một (5 KCN, 1.364 ha). Riêng TX.Bến Cát có số lượng và diện tích lớn nhất với 7 KCN có tổng diện tích hơn 3.000 ha. Đến nay, trong số 28 KCN đã thành lập với diện tích 9.500 ha, đã có 26 KCN đi vào hoạt động. Các KCN này đều được đầu tư đồng bộ và hiện đại, góp phần thay đổi diện mạo của Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh thu hút đầu tư vào các KCN.
KHÁNH VINH