Quy hoạch mạng lưới kinh doanh gas đến năm 2020 - bước đi cần thiết: Phát triển phù hợp
(BDO) Kỳ 2: Phát triển phù hợp
> Kỳ 1: Kinh doanh gas tràn lan, người dân lo lắng
Thời gian qua, UBND tỉnh đã giao Sở Công thương lập Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh gas trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2025 nhằm thiết lập trật tự trong kinh doanh thương mại, xây dựng mạng lưới kinh doanh gas trên địa bàn tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững.
Sản lượng tiêu thụ gas tăng cao
Theo thống kê của Sở Công thương, từ năm 2010 đến nay trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh tiêu thụ khoảng trên 22.000 tấn gas. Hiện nay, các tổng đại lý, đại lý bán lẻ tiêu thụ ở nhà hàng, hộ gia đình thường dùng các loại bình 45kg, 12,5kg, 12kg, 5kg; trong đó loại bình 12kg và 12,5kg được sử dụng phổ biến nhất, chiếm khoảng 95%. Trong năm 2013, riêng khí đốt dùng trong các hộ gia đình là 17.827 tấn, tăng gấp 2 lần năm 2010; tốc độ tăng bình quân về sản lượng tiêu thụ gas trong giai đoạn 2010-2013 đạt 19,5%.
Cơ quan chức năng tỉnh bắt một vụ sang chiết gas không bảo đảm an toàn trong khu dân cư. Ảnh: H.ÚT
Hiện nay, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh là đại lý cấp 2, cấp 3 cho các công ty gas có đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và thương hiệu riêng nên vỏ bình do đơn vị đầu mối cung cấp dưới hình thức thế chân. Tuy nhiên, gần đây có sự chênh lệch về giá giữa các thương hiệu nên hiện tượng làm giả vỏ bình, vỏ bình kém chất lượng, nhái vỏ bình, nạp gas kém chất lượng để thu lợi bất chính đang là vấn đề phức tạp. Việc làm giả vỏ bình không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp mà còn gây mất an toàn cho người sử dụng.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh không có hệ thống kho chứa gas độc lập, việc tồn chứa gas thực hiện tại các trạm chiết nạp bằng hệ thống bồn chứa nổi; số bồn chứa trên theo thống kê là 13 bồn với tổng sức chứa 557 tấn gas. Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 trạm chiết nạp với 71 đầu nạp vào chai, tập trung tại TX.Dĩ An, TX.Thuận An, TX.Bến Cát và TX.Tân Uyên. Sản lượng gas các doanh nghiệp chiết nạp năm 2013 là 19.800 tấn, đạt 31% công suất thiết kế. Ngoài ra, trong tỉnh còn có 6 trạm cấp gas bằng đường ống để phục vụ nhu cầu sử dụng của dân cư sinh sống trong các tòa nhà chung cư, như: TDC Plaza, Aroma IJC, Becamex IDC…
Quy hoạch bảo đảm tính lâu dài
Các chuyên gia dự báo, đến năm 2020 dân số của Bình Dương vào khoảng 2 triệu người, tỷ lệ dân số đô thị chiếm khoảng 80%; đến năm 2025 có khoảng 2,5 triệu người, dân số đô thị khoảng 83%. Theo tính toán của Sở Công thương, sản lượng tiêu thụ gas trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 là khoảng 48.600 tấn; đến năm 2025 đạt trên 67.000 tấn. Từ tính toán này, dự báo đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh sẽ có 1.015 cửa hàng bán lẻ gas và đến năm 2025 là 1.160 cửa hàng bán lẻ gas; trong đó sẽ tập trung những cửa hàng phát triển trong các khu dân cư mới. Ngoài ra, tỉnh sẽ phát triển các kho chứa kết hợp với trạm chiết nạp vào chai, kho thành phẩm, trạm cấp gas bằng đường ống dẫn…
Một điểm sang chiết gas không bảo đảm an toàn bị lực lượng chức năng tỉnh phát hiện, xử lý. Ảnh: H.VĂN
Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết việc quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh gas nhằm thiết lập hệ thống kinh doanh gas từ kho dự trữ đến trạm nạp gas vào chai, cấp gas bằng đường ống, trạm nạp gas bằng ô tô, cửa hàng chuyên doanh gas để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ và tiêu dùng cá nhân. Từ quy hoạch này các cửa hàng kinh doanh gas sẽ phát triển có trật tự theo quy hoạch, tăng hiệu quả đầu tư, khai thác tốt cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có, đồng thời bảo đảm độ an toàn về cung cấp gas đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Với những tính toán khoa học nói trên, từ nay đến năm 2015 tỉnh tập trung phát triển các loại hình cửa hành kinh doanh bán lẻ gas. Trong giai đoạn 2016-2020, căn cứ theo tình hình phát triển các khu đô thị tỉnh sẽ phát triển thêm các trạm cấp gas bằng đường ống cho các tòa nhà nhằm phục vụ nhu cầu khí đốt cho người dân.
Ông Bình cũng cho biết, để thực hiện kế hoạch Sở Công thương sẽ phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố tham mưu UBND tỉnh về việc xác định địa điểm đầu tư kinh doanh gas phù hợp với quy hoạch; đồng thời hướng dẫn các thủ tục cần thiết, thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Trước mắt, sở kết hợp với các sở, ngành và UBND cấp huyện thường xuyên tổ chức lớp tập huấn cho các cơ sở kinh doanh gas, chủ doanh nghiệp bảo đảm an toàn, phòng cháy chữa cháy, môi trường. Sở cũng sẽ kết hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các cơ quan liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền về tem chống gas giả, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý.
Tại cuộc họp bàn về Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh gas trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2025 vừa qua, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lưu ý Sở Công thương và các sở, ngành liên quan cần làm tốt quan điểm phát triển trong công tác quy hoạch, lựa chọn phương án thực hiện hợp lý. Ông Liêm cho rằng, quy hoạch phải bảo đảm tính khách quan, lâu dài, phù hợp với quy hoạch kinh tế - xã hội, đô thị, ngành thương mại và các quy hoạch khác. Phát triển mạng lưới kinh doanh gas phải bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ; từng bước hình thành hệ thống và liên kết tạo thành chuỗi từ kho dự trữ đến trạm chiết nạp, kho thành phẩm đến các điểm bán lẻ cho người dân sử dụng. Quy hoạch phát triển mới cơ sở kinh doanh gas phải hiện đại, văn minh, an toàn và bảo đảm môi trường. Do đó, trong quá trình thực hiện quy hoạch phải bảo đảm việc lưu thông gas bình thường, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống, phân bổ cửa hàng bán lẻ hợp lý, hài hòa, phù hợp với quan điểm quy hoạch.
HỒ VĂN