Quy hoạch hạ tầng, phát triển hệ sinh thái logistics hiện đại

Thứ ba, ngày 16/04/2024

(BDO) Bình Dương nỗ lực phát triển, thu hút chuỗi cung ứng hiện đại, ưu tiên lĩnh vực logistics theo từng chuyên ngành sản xuất. Đặc biệt, trong chiến lược mới, Bình Dương quy hoạch nhiều trung tâm logistics xứng tầm.

Tiềm năng lớn

Theo bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương (WTCBD), thành viên Hiệp hội Logistics Bình Dương, cho biết Bình Dương có kế hoạch phát triển hệ sinh thái logistics chuyên ngành trên cơ sở nâng cấp các ngành công nghiệp truyền thống, phát triển sản xuất hiện đại, cùng với các ngành công nghiệp triển lãm. Hiện Bình Dương phát triển hệ sinh thái logistics ngành bán dẫn gắn với việc nâng cấp hệ sinh thái công nghiệp. Bình Dương đã có rất nhiều doanh nghiệp (DN) ngành bán dẫn, có trung tâm hỗ trợ nghiên cứu phát triển đổi mới sáng tạo của Becamex IDC. Cùng với đó là những định hướng thu hút ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới.

“WTCBD nỗ lực lớn trong phát triển ngành công nghiệp triển lãm cùng với hệ sinh thái ngành như logistics, truyền thông, nguồn nhân lực. Đặc biệt là vấn đề logistics ngành triển lãm sẽ phục vụ các sự kiện mang tầm quốc tế, song song đó đưa hàng hóa của DN trong và ngoài nước vào khu vực triển lãm”, bà Huỳnh Đinh Thái Linh chia sẻ thêm về định hướng của WTCBD.

Ông Nguyễn Văn Dành (trái), Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với các đại biểu bên lề hội thảo “Bình Dương: Hệ sinh thái logistics và thương mại điện tử hướng đến chuỗi cung ứng toàn cầu”

Trước định hướng này, PGS-TS. Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Logistics Việt Nam, cho rằng: “Để phát triển hệ sinh thái logistics chuyên ngành, Bình Dương cần xác định rõ đặc điểm nội tại của từng ngành gắn với những hạng mục cụ thể về kho vận, lịch trình vận chuyển, phương thức vận chuyển, bảo quản… để phát triển và quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả. Đơn cử, muốn phát triển hệ sinh thái logistics ngành công nghiệp bán dẫn phải xác định tuyến đường nào, thời gian vận chuyển là bao lâu tới cảng, diện tích sử dụng kho bãi là bao nhiêu… để thu hút nhà đầu tư cho phù hợp”.

Bà Christina Shen, Giám đốc WTC Thẩm Dương (Trung Quốc), cho biết: “Chúng tôi ấn tượng với thành phố mới Bình Dương, song thiếu thông tin về đầu tư, thị trường xuất nhập khẩu để có thể kết nối các DN địa phương. Chúng tôi có thể kết nối thông tin xuất nhập khẩu để phát triển chuỗi cung ứng ngành nghề thông qua sự hỗ trợ về triển lãm cho các DN. Bên cạnh đó, Thẩm Dương cũng có lợi thế về ngành công nghiệp phụ trợ, nguyên phụ liệu ngành ô tô, máy móc”.

Quy hoạch logistics xứng tầm

Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bình Dương xem logistics là ngành nghề quan trọng. Bình Dương đã quy hoạch quỹ đất phát triển ngành nghề logistics song song với việc bố trí sản xuất, đầu tư hạ tầng. Bên cạnh đó phát triển hạ tầng theo hướng liên kết vùng, đưa logistics trở thành ngành nghề bệ đỡ cho hàng hóa địa phương, đưa Bình Dương xứng tầm là trung tâm logistics vùng Đông Nam bộ. Chính quyền tạo tiền đề, thu hút nhà đầu tư có tiềm lực đưa hệ sinh thái logistics Bình Dương lên tầm cao mới.

“Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis Trung Quốc 2024, chúng tôi đã có kiến nghị lên Chính phủ việc nâng cấp mở rộng trung tâm logistics Sóng Thần từ 60 ha lên 200 ha. Một thuận lợi lớn là Bình Dương đã có tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa trực tiếp đến Trung Quốc, sang thị trường thứ ba. Chuyến tàu liên vận chở nông sản trực tiếp đi Trung Quốc đã xuất phát từ Bình Dương sẽ khởi đầu nhiều hoạt động để mở rộng hợp tác, mở đường cho nông sản, logistics…”, ông Nguyễn Văn Dành thông tin.

Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết Becamex IDC đã quy hoạch trung tâm logistics 70 ha thuộc hệ sinh thái của Vùng đổi mới sáng tạo tại thành phố mới Bình Dương. Hệ sinh thái logistics này sẽ cùng với hạ tầng xanh, các khu công nghiệp xanh, sản xuất hiện đại, hệ sinh thái dịch vụ cao tiếp tục là điểm sáng để thu hút các nhà đầu tư tiềm lực đến với Bình Dương.

TIỂU MY