Quy hoạch điện VII: Nguy cơ thiếu điện vẫn hiện hữu
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ trong quy hoạch điện VI là do thiếu vốn cũng như khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nếu không được tháo gỡ kịp thời thì thì nguy cơ thiếu điện vẫn sẽ hiện hữu trong qui hoạch điện VII.
Đó là những ý kiến thẳng thắn được các đại biểu đưa ra tại buổi báo cáo tổng kết quy hoạch điện VI và giải pháp thực hiện quy hoạch điện VII do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (8-9), tại Hà Nội.
Áp lực vốn và nút thắt giá
Nhìn vào quy hoạch điện VI giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025 được thực hiện trong giai đoạn 2006-2010 do Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương báo cáo thì tổng công suất lắp nguồn xây dựng và đưa vào vận hành khoảng trên 10.000MW chỉ đạt gần 70% kế hoạch đề ra, lưới điện truyền tải cũng chỉ đạt trên dưới 50% khối lượng quy hoạch.
Ảnh minh họa
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì để đảm bảo đầu tư các dự án trong quy hoạch điện VI, tổng nhu cầu đầu tư của tập đoàn đến năm 2015 dự kiến khoảng 832.000 tỷ đồng, nhưng trên thực tế số vốn huy động được mới chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu.
Ông Dương Quang Thành, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ, số vốn còn thiếu là 599.000 tỷ đồng vượt quá khả năng thu xếp của EVN và theo dự báo, tốc độ tăng trưởng phụ tải của tổng sơ đồ VI là rất lớn (17-20%), mỗi năm cần 2.000-3.000MW tăng thêm mới đáp ứng đủ điện.
"Với tình hình vốn đầu tư thiếu nghiệm trọng trong giai đoạn này thì không thể xây dựng các dự án đúng theo tiến độ quy hoạch điện VI đã được phê duyệt," ông Thành cho hay.
Theo kế hoạch, giai đoạn từ 2011-2015, EVN dự kiến đưa vào 11.300MW, khởi công thêm 14 dự án cho giai đoạn sau 2015 và mục tiêu đến năm 2020 sẽ cấp điện cho toàn bộ khu vực nông thôn.
Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này thì EVN cũng kiến nghị với Bộ Công Thương cần sớm phê duyệt việc tách các tổng công ty phát điện thành những đơn vị độc lập nhằm giảm bớt những gánh nặng về vốn và tập trung cho các dự án trọng điểm.
Thực tế cho thấy, trong 10 công trình mà Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư thì hầu hết các dự án đều chậm so với tiến độ đề ra. Đại diện TKV cho biết, việc thu xếp tài chính cho các dự án điện, đặc biệt là các dự án có quy mô công suất lớn rất khó khăn, khó tiếp cận với các ngân hàng trong nước.
Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng nhiều bất cập, giá đất, thu hồi đất và bồi thường hỗ trợ tái định cư thường mất từ 1-2 năm, thậm chí dài hơn mới có thể tiến hành đầu tư được.
Đến một đơn vị hùng mạnh như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng bày tỏ, áp lực thu xếp vốn cho các dự án nhiệt điện của PVN là rất lớn, nhưng việc huy động vốn cũng không dễ dàng. Hơn nữa, giá điện được điều chỉnh chưa hợp lý đang là một nguyên nhân khiến nhà đầu tư phải "nản" khi rót vốn vào ngành điện.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng nhấn mạnh, một trong những nút thắt của vấn đề nằm ở cơ chế giá điện. Năm 2010, EVN đã lỗ trên 8.000 tỷ đồng, nợ tiền mua điện của PVN và TKV gần 10.000 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2011, EVN lại tiếp tục lỗ 3.500 tỷ đồng.
Việc tiến tới một khung giá điện mang tính thị trường của Việt Nam được các nhà đầu tư đánh giá rất cao và xem đây là giải pháp thu hút đầu tư ở quy hoạch điện VII và giải quyết tận gốc bài toán thiếu điện. Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg về việc điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường đã có hiệu lực từ ngày 1/6, Bộ Công Thương cũng đã có hướng dẫn về vấn đề này.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng thừa nhận, giải bài toán giá điện không thể không tính đến giá nhiên liệu và các mặt hàng khác. Bởi vì, suy cho cùng, điều chỉnh giá cũng để nhằm mục đích quan trọng nhất là đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, việc điều chỉnh giá điện vẫn đang được tính toán thận trọng để vừa giải quyết tình hình tài chính cho các đơn vị sản xuất điện nhưng vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng bộ nguồn và truyền tải điện
Một trong những yêu cầu quan trọng của quy hoạch điện VII là phát triển đường dây truyền tải điện đồng bộ với nguồn, có dự phòng cho phát triển lâu dài, từng bước ngầm hóa lưới điện tại các thành phố, thị xã.
Giai đoạn 2011-2015, EVN dự kiến sẽ đưa vào vận hành 44 công trình lưới truyền tải điện 500kV và 212 công trình lưới điện truyền tải 220kV. Chính phủ cũng yêu cầu, ngoài lưới điện áp 500kV, sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng cấp điện áp 750kV, 1000kV hoặc truyền tải bằng điện một chiều giai đoạn sau năm 2020. Việc này sẽ cần 1 lượng vốn không nhỏ.
Đây là bài toán rất nan giải vì hiện nay bức tranh tài chính của EVN đang rất khó khăn, chỉ riêng trả nợ đúng hạn cho các ngân hàng cũng không đơn giản.
Đó là chưa kể, lưới điện của Việt Nam đang quá tải và xuống cấp trầm trọng mà chưa tìm ra nguồn vốn để nâng cấp, sửa chữa và thay thế. Nếu thời gian tới nhiều nhà máy điện tiếp tục đi vào vận hành thì lưới điện càng căng thẳng.
Được giao trách nhiệm chính trong bảo đảm phát triển hệ thống truyền tải, giai đoạn 2011-2020, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) sẽ phải đầu tư vào lưới điện 210,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,4% tổng vốn đầu tư; giai đoạn 2021 - 2030 là 494 nghìn tỷ đồng, chiếm 34,5%. Riêng nhu cầu đầu tư giai đoạn 2011-2015 của NPT đã cần tới 133.580 tỷ đồng, trong khi vốn khấu hao cơ bản chỉ có 26.380 tỷ đồng.
Hiện NPT đang đề nghị được áp dụng quy chế, chính sách đặc thù với các công trình điện cấp bách trong các năm 2010-2015. Theo đó, cho phép chủ đầu tư chỉ định cơ quan tư vấn; được quyết định các hình thức chọn thầu; được phê duyệt thủ tục đầu tư các dự án ODA.
Các dự án cấp bách được hưởng lãi suất ưu đãi từ các chính sách kích cầu của Nhà nước và các nguồn vốn ưu đãi khác; được vay vượt 85% vốn cho đầu tư các dự án và vay vượt 15% vốn tự có; được vay lại vốn ODA với các điều kiện vay như các tổ chức cho Chính phủ vay. Được bảo lãnh các khoản vay nước ngoài và miễn thẩm định dự án nếu đã được phê duyệt trong quy hoạch.
Ngoài ra, vấn đề nhiều người quan tâm là chính sách giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ các dự án lưới điện trong quy hoạch điện VII, vì đây là vấn đề hóc búa nhất thời gian qua.
Với kỳ vọng tạo ra sự đột phá mới, quy hoạch điện VII đã gợi mở ra một số cơ chế, chính sách và từng công việc cụ thể trong giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, với những dự án lưới điện kéo dài hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn kilômét, phải đền bù nhà cửa, ruộng vườn, hoa màu cho hàng nghìn, hàng vạn dân thì công việc này chưa bao giờ hết khó. Nhất là chính sách giá cả đền bù luôn thay đổi theo thời gian và không thống nhất giữa các địa phương khiến cho người nhận đền bù không an lòng...
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia thì công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn và chưa có sự đồng thuận của các địa phương trong quy hoạch phát triển ngành điện, do vậy nhiều cột móng đã xây dựng xong nhưng chưa kéo dây được do chưa phê duyệt được phương án bồi thường hành lang tuyến.
"Ngay từ lúc quy hoạch phải gắn việc cấp đất cho các dự án thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương," ông Cương kiến nghị.
Đồng tình với ý kiến trên, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, để làm tốt quy hoạch điện VII thì cần tập trung tháo gỡ hai vấn đề chính là vốn và giải phóng mặt bằng.
Theo phê duyệt và lộ trình điều chỉnh giá điện thì từ nay đến năm 2020, giá điện sẽ được điều chỉnh lên 8-9cent/kWh nhằm thu hút các nhà đầu tư vào ngành điện, ngoài ra các đầu tư khác thì cần phát huy tối đa sự tham gia của các nhà thầu trong nước và tư vấn thiết kế.
Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng sẽ phải giao cho chính quyền địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án của ngành điện và việc gắn quy hoạch của địa phương với quy hoạch của ngành điện sẽ là điều kiện tiên quyết giúp các dự án điện thời gian tới đi vào đúng tiến độ.
Ngoài ra, việc đẩy nhanh thị trường phát điện cạnh tranh vào đầu năm 2012 sẽ giúp giảm chi phí phát điện một cách tối đa đồng thời tăng tính hấp dẫn của các nguồn điện mới.
Theo TTXVN