Quy hoạch cụm cảng Tân Vạn (TX.Dĩ An): Tầm nhìn chiến lược
Cụm cảng Tân Vạn sẽ trở thành trung tâm Logictics của các tỉnh miền Nam, đầu mối trung chuyển container đi các cảng quốc tế, là dịch vụ gắn kết với cảng nước sông Bình Dương trong chiến lược cung cấp dịch vụ toàn diện chuỗi Logictics, quy hoạch trên đã thể hiện tầm chiến lược phát triển kinh tế được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao.
Vị trí thuận lợi
Theo quy hoạch tổng thể cụm cảng Tân Vạn (TX.Dĩ An), vị trí khu đất quy hoạch nằm tại trung tâm miền Đông Nam bộ, tổng diện tích 86,82 ha, thuộc 2 phường Bình Thắng và Bình An (TX.Dĩ An), bao gồm khu Logictics 64,91 ha; cụm cảng sông 6,44 ha; đất thương mại-dịch vụ 8,77 ha; cụm kho bãi Đồng Nai 38,6 ha.
Vận chuyển hàng hóa tại Logistics Tân Vạn
Với liên kết giao thông thủy, bộ rất thuận lợi, trong đó, đường bộ có đường Mỹ Phước- Tân Vạn là trục đường xương sống quan trọng cho phần đô thị phía Nam của Bình Dương, đi xuyên qua TX.Dĩ An, Thuận An, TP.TDM và phía nam Bến Cát. Ngoài ra còn có tuyến đường ĐT743, TL16, đường kết nối khu vực…
Đối với đường thủy, xây dựng cảng sông trên sông Đồng Nai tại vị trí C (diện tích khoảng 6,4 ha), với chức năng trung chuyển hàng hóa container, kết nối với cảng Bình Dương hiện hữu, bảo đảm khối lượng lớn hàng hóa xuất nhập khẩu cho Bình Dương. Theo nhận xét về đề án xây dựng cụm cảng này, Viện trưởng Viện Quy hoạch - Phát triển đô thị Bình Dương Huỳnh Văn Minh cho biết, quy hoạch cụm cảng Logistics Tân Vạn theo đề xuất của Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Bình Dương, có vị trí tốt, có hệ thống giao thông thủy bộ thuận lợi, dễ tiếp cận; hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh và đồng bộ; hiện trạng ít dân cư, đất công nghiệp chiếm đa số. Trong cuộc họp thống nhất đề án quy hoạch tổng thể cụm cảng Tân Vạn, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung khẳng định: “Quy hoạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhất thiết phải có cụm cảng này, cảng phải giáp sông Đồng Nai, gắn trung tâm Logicitcs đồng hành với cảng sông”.
Cũng trong cuộc họp này, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Shoes (TBS), chủ đầu tư dự án xây dựng cụm cảng nhận định: “Khu quy hoạch cụm cảng Tân Vạn có vị trí rất đắc địa. Nơi đây có vị trí giao thoa giữa Đồng Nai, Bình Dương, đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh. Theo vị trí địa lý này, trung tâm Logistics nằm trên phân luồng hàng hóa liên kết vùng kinh tế phía Nam, đầu mối lưu thông qua cảng Cái Mép - Thị Vải và cảng TP.HCM, thuận lợi cho tàu thuyền quốc tế cập thẳng bến để giao nhận hàng”.
Hiệu quả kinh tế cao
Cụm cảng Tân Vạn được xây dựng sẽ trở thành trung tâm Logistic, hoạt động vận tải đa phương thức, khai thác các luồng hàng hóa cho các đơn vị vận tải khác nhau, phục vụ thị trường cấp vùng, quốc gia và quốc tế. Hàng hóa từ đây sẽ được lưu thông tốt, khối lượng lớn, các công ty dịch vụ Logistics cũng có được nhiều khách hàng và lợi nhuận hơn, các công ty đóng gói, bao bì, chiếu X, giám định, kiểm nghiệm… cũng sẽ tập trung về đây để trở thành một chuỗi dịch vụ khép kín, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, nguồn thu ngân sách lớn. Mặt khác, sẽ giảm được chi phí cho sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong vùng kinh tế trọng điểm. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Thuấn tự tin, nói: “Hiện ICD TBS đã, đang đóng góp cho ngân sách tỉnh 400 tỷ đồng/ năm, nếu mở rộng đầu tư, thu hút các hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) và Logistics, hỗ tợ tối đa cho cảng Bình Dương thì số XNK thu được cho tỉnh sẽ gấp 5 lần, giải quyết khoảng 2.000 lao động địa phương trong giai đoạn khó khăn này”.
Nhận định về hiệu quả kinh tế khi xây dựng cụm cảng Tân Vạn, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cho biết thêm: “Xây dựng cụm cảng là sự cần thiết, vừa mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội vừa có ý nghĩa chính trị. Trong tương lai, trung tâm Logistics này sẽ là một trung tâm điểm, tạo điều kiện để tận dụng, khai thác một số loại hình dịch vụ cần thiết. Đây sẽ là nơi hấp dẫn các nhà đầu tư, tạo tiền đề thúc đẩy nhanh quá trình phát triển sản xuất các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.
PHƯƠNG AN