Quy hoạch báo chí theo hướng giảm báo in, chuyển sang báo điện tử
(BDO)
Ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu nội dung đề án. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Ngày 25-9, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị phổ biến Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Tham dự hội nghị có đông đảo các cơ quan quản lý, chủ quản báo chí, các bộ, ngành liên quan và phóng viên nhiều cơ quan báo chí trung ương, địa phương. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã giới thiệu nội dung Đề án. Theo đó, mục tiêu quy hoạch báo chí từ nay đến năm 2025 là sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí, xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng thông tin báo chí, thông tin trên mạng viễn thông, internet.
Việc sắp xếp này khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải đầu tư, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo quản lý của các cấp ủy Đảng, chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển của báo chí trong tình hình mới.
Quy hoạch thực hiện theo hướng giảm số lượng cơ quan báo in, có thể chuyển sang phiên bản điện tử. Các cơ quan, tổ chức dưới cấp bộ ngành, tỉnh có báo điện tử thì chuyển cơ quan báo điện tử sang trực thuộc cấp bộ ngành, tỉnh.
Các tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước không có báo điện tử mà chỉ có tạp chí điện tử.
Đối với phát thanh, truyền hình, việc sắp xếp thực hiện theo hướng tập trung sản xuất chương trình, bảo đảm chương trình trong nước chiếm 70% tổng thời lượng phát sóng, còn lại không quá 30% nội dung là khai thác chương trình truyền hình nước ngoài.
Số lượng kênh truyền hình nước ngoài được phép khai thác nguyên kênh không quá 30% tổng số kênh khai thác.
Thông tấn Xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Công an Nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện, trong đó kênh truyền hình thuộc các đơn vị này không xây dựng hệ thống truyền dẫn, phát sóng riêng biệt.
Đặc biệt, đến năm 2020 các đài truyền hình địa phương tự chủ về tài chính, các báo điện tử tự cân đối tài chính…
Tại hội nghị, các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí cơ bản nhất trí cao quan điểm, nội dung của Đề án; cho rằng đây là việc làm quan trọng, cấp thiết, ảnh hưởng lớn đến nhiều cơ quan, ban ngành, địa phương nên cần có lộ trình và cơ chế đặc thù cụ thể.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, Đề án sẽ được thực hiện theo lộ trình cụ thể.
Trước mắt, các cơ quan báo chí, chủ quản báo chí thống nhất quy hoạch của mình gửi đến Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 20/10 để Bộ tập hợp, trình Chính phủ.
Từ nay tới năm 2017, một số cơ quan báo chí có đủ điều kiện sẽ được chọn làm thí điểm. Trên cơ sở kết quả thí điểm, các cơ quan chủ quản rà soát, đánh giá, sắp xếp lại các cơ quan báo chí thuộc quyền để triển khai rộng mô hình, trong đó chú ý đến tính đặc thù của cơ quan báo chí có số lượng phát hành, số lượng công chúng lớn, có ảnh hưởng xã hội rộng.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng cho biết việc sắp xếp có lộ trình, bước đi cụ thể, chặt chẽ, theo tinh thần việc dễ làm trước, việc khó làm sau; đảm bảo đến năm 2020, về cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các cơ quan báo chí theo mô hình đã đề ra./.
Theo TTXVN