Quỹ hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả

Thứ sáu, ngày 07/05/2021

(BDO) Bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực, Quỹ hỗ trợ nông dân (gọi tắt là Quỹ) đã trở thành “điểm tựa” giúp hội viên nông dân trong tỉnh đầu tư mở rộng sản xuất, vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

 Từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, nhiều nông dân ở huyện Phú Giáo đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng nhằm đem lại thu nhập cao hơn

 Nhiều mô hình hay

Trong nhiều năm qua, nguồn vốn từ Quỹ đã giúp nhiều gia đình hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh chuyển đổi sản xuất với những mô hình hay trong đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Có thể kể đến là tổ hợp tác rau an toàn nhà lưới, nấm ở xã Trừ Văn Thố (huyện Bàu Bàng) với 5 hộ vay từ nguồn Quỹ 400 triệu đồng. Các hộ vay sản xuất ổn định, ký kết hợp đồng cung ứng với cửa hàng Bách hóa xanh.

Nhờ được vay vốn từ Quỹ, nhiều hộ nông dân khó khăn, thiếu vốn đầu tư phát triển kinh tế đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tiếp tục được nhân rộng. Từ vốn của Quỹ, toàn tỉnh đã xây dựng được 284 dự án, thành lập 284 tổ hợp tác và tổ liên kết sản xuất. Trong đó, có trên 90 tổ làm ăn hiệu quả. Các mô hình tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh, tổ liên kết đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân, chuyển đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, tạo việc làm, tăng thu nhập kinh tế, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Nhiều nông dân trở thành chủ trang trại có thu nhập từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng, nhiều hộ vươn lên làm giàu từ nông nghiệp. Từ đó, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Huyền Trâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bàu Bàng, cho biết từ nguồn vốn các cấp hội trong toàn huyện đã vận động và nhận ủy thác, cộng với nguồn vốn tỉnh hội thực hiện đề án đã phát huy hiệu quả. Theo đó, nguồn vốn được quản lý tốt và sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng. Phương thức cho vay của Quỹ thực hiện theo dự án nhóm hộ cùng sản xuất, cùng kinh doanh một loại sản phẩm để phát huy tính liên kết, hợp tác giữa các hộ nông dân. Thông qua đó, nhiều hộ nông dân đã có vốn sản xuất, kinh doanh thuận lợi, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tích cực trong việc giảm nghèo và giải quyết việc làm tại địa phương.

Tiếp sức cho nông dân

Trong giai đoạn 2016- 2020, qua triển khai, từ nguồn vốn vận động, bổ sung, vốn quay vòng và vốn ngân sách ủy thác, Hội Nông dân tỉnh và các huyện, thị, thành phố đã xét cho trên 9.000 lượt hộ nông dân vay trên 216 tỷ đồng, thực hiện 470 dự án, chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ nông nghiệp… Ngoài ra, các cấp hội tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho hộ vay áp dụng vào sản xuất và dịch vụ. Nguồn vốn đã phát huy được thế mạnh của từng địa phương, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và đời sống cho hội viên nông dân, từng bước hình thành vùng sản xuất có quy mô hàng hóa và theo hướng chuỗi liên kết có giá trị.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp hội đều thực hiện đúng quy định từ khâu bình xét đối tượng, xây dựng dự án gắn với thành lập tổ hợp tác và tổ liên kết sản xuất với quy mô từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng; bảo đảm thẩm định đúng đối tượng và giải ngân kịp thời, không để vốn tồn đọng. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, thời gian qua Hội Nông dân tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển Quỹ. Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cơ sở hội định hướng, lựa chọn mô hình phù hợp để xây dựng dự án, căn cứ trên nhu cầu thực tế của hội viên; đồng thời tăng cường giám sát thực hiện trình tự các khâu cho vay bảo đảm đúng quy trình, sử dụng đúng mục đích.

 Thực hiện “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân”, các cấp hội nông dân đã tích cực, sáng tạo tuyên truyền, vận động phát triển nguồn Quỹ với hình thức đa dạng. Qua 5 năm thực hiện, nguồn quỹ toàn tỉnh đã được ngân sách ủy thác, vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ và bổ sung từ phí cho vay với số tiền trên 67 tỷ đồng, gồm vốn tỉnh trên 52 tỷ đồng; huyện, thị, thành phố trên 9,5 tỷ đồng và cơ sở trên 5 tỷ đồng. Tổng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh hiện đang quản lý của 3 cấp trên 133 tỷ đồng.

 THOẠI PHƯƠNG