Quỹ hỗ trợ nông dân: Đồng vốn sinh lợi
Nhiều hộ nông dân được vay vốn đã vượt qua khó khăn, vươn lên khá giả Ảnh: CAO SƠN
Tiếp vốn cho ND
Bình Dương phát triển mạnh về công nghiệp và dịch vụ với tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế lần lượt là 61,5% và 35%. Nông nghiệp chỉ chiếm 3,5%, song vẫn là lĩnh vực quan trọng được quan tâm đầu tư nhằm góp phần nâng cao đời sống người dân và từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Trồng cây công nghiệp và chăn nuôi tập trung là hướng đi của ND Bình Dương. Đây cũng là những lĩnh vực đòi hỏi có sự đầu tư mạnh về kỹ thuật, giống, phòng trị bệnh… nên nhu cầu về vốn của ND là rất lớn. Để giải quyết bài toán về vốn cho ND, những năm qua, ngoài các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn từ ngân sách tỉnh, các cấp hội ND đã tập trung vận động xây dựng phát triển các nguồn quỹ, trong đó Quỹ Hỗ trợ nông dân (QHTND) là một trong những “kênh” quan trọng. Năm 2012, các huyện, thị và cơ sở đã vận động trên 100 đơn vị và gần 1.000 cá nhân ủng hộ và cho vay không lãi với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn của QHTND trong toàn tỉnh đến cuối năm 2012 lên trên 23 tỷ đồng.
Ngoài nguồn vốn từ QHTND, trong 2 năm 2011 và 2012, ND còn được tiếp cận với nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thông qua chương trình phối hợp giữa Hội ND với NHCSXH tỉnh. Trong 2 năm, các cấp hội ND toàn tỉnh đã hỗ trợ cho trên 5.000 lượt hộ vay với số vốn gần 80 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Ban điều hành QHTND tỉnh cho biết, việc hỗ trợ tạo vốn cho ND phát triển sản xuất từ các nguồn là việc làm thiết thực đáp ứng nguyện vọng chính đáng của ND, thể hiện sự đổi mới về phương thức và nội dung hoạt động của tổ chức hội các cấp, tạo sự phấn khởi cho ND trong việc tham gia tổ chức hội, nhất là phong trào thi đua SXKD giỏi.
Hiệu quả
Song song với công tác hỗ trợ cho ND tiếp cận các nguồn vốn vay đầu tư SXKD, Hội ND tỉnh và các huyện, thị, thành phố đã thường xuyên kiểm tra và giám sát tình hình sử dụng, quản lý các nguồn vốn. Nhờ đó, các nguồn vốn ND vay đã sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả.
Năm 2008, ông Nguyễn Văn Quyến, ngụ tại ấp Suối Sâu (xã Đất Cuốc, Tân Uyên) được UBND xã hỗ trợ cho vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn NHCSXH. Từ số tiền này, cùng với việc được tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, ông Quyến đầu tư nuôi bò và trồng trọt. Chỉ sau một thời gian ngắn gia đình ông Quyến đã thoát nghèo, vươn lên ổn định được cuộc sống. Chia sẻ với chúng tôi, ông Quyến nói: “Được sự động viên, hỗ trợ kịp thời của chính quyền xã, cuộc sống gia đình tôi đỡ vất vả, con cái được đến trường, nhà cửa ổn định. Hiện tại, tôi đang ấp ủ ước mơ xây dựng mô hình trồng nấm rơm để tăng thu nhập cho gia đình, do vậy tôi mong muốn được tham gia các lớp học về kỹ thuật trồng nấm cũng như tiếp tục được vay vốn để đầu tư sản xuất”. Tương tự, ông Phạm Minh Cư ở ấp Bình Cơ (xã Bình Mỹ, Tân Uyên) trước đây chỉ trông chờ vào 5 sào đất trồng hoa màu nên cuộc sống thiếu trước hụt sau, nhưng từ khi được Hội ND xã giúp cho vay 10 triệu đồng, ông đã đầu tư nuôi bò. Đến nay gia đình ông đã có đàn bò trên chục con. Số tiền bán bò không chỉ giúp ông trả hết nợ mà còn để dành một số vốn kha khá để tiếp tục đầu tư tăng đàn. Kinh tế gia đình ông Cư giờ tuy chưa thể coi là hộ giàu nhưng đã ổn định hơn trước nhiều.
Theo Ban điều hành QHTND tỉnh, với nguồn vốn vận động trong năm 2012, kể cả vốn Trung ương phân bổ, vốn quay vòng Tỉnh hội cùng các huyện, thị, thành phố, đã xét cho 1.449 hộ ND vay với số tiền gần 10 tỷ đồng để đầu tư vào chăm sóc cao su, chăn nuôi trâu bò, trồng trọt và dịch vụ.
Những nguồn vốn do các cấp hội ND trong tỉnh giúp ND vay dù không lớn nhưng đã kịp thời giải quyết được những khó khăn, đáp ứng nhu cầu cho việc đầu tư SXKD của nhiều hộ gia đình. QHTND thực sự là “bà đỡ” cho nhiều hộ ND nghèo vươn lên. Ông Phạm Trung Thảo, Chủ tịch Hội ND huyện Dầu Tiếng cho biết, từ nguồn vốn của hội đã góp một phần không nhỏ cho ND có vốn sản xuất, giải quyết lao động nhàn rỗi ở nông thôn, thông qua hoạt động QHTND đã tạo điều kiện cho tổ chức hội thực hiện vai trò là trung tâm nòng cốt trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, ND và nông thôn. Chỉ tính riêng năm 2012, từ nguồn vốn của QHTND, Hội ND huyện Dầu Tiếng đã dành khoảng 2 tỷ đồng để cho trên 300 hộ vay đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Hội ND huyện Dầu Tiếng được đánh giá là đơn vị đi đầu trong công tác vận động xây dựng QHTND.
Có thể nói, từ những nguồn vốn do các cấp hội ND toàn tỉnh giúp ND vay đa số đều phát huy tác dụng. Từ đó, nhiều gia đình đã vượt qua khó khăn và ổn định về kinh tế, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh xuống còn 1,42% (cuối năm 2012) theo tiêu chí của tỉnh. Kết quả này đã tác động tích cực đến quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
TRÍ DŨNG