Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Thứ năm, ngày 20/08/2015

(BDO)  NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ĐIỆN LỰC AN TOÀN ĐẬP THỦY ĐIỆN, SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ

 

 Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25-12-2001;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20-6-2012;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 3-12-2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20-11-2012;

Căn cứ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 17-6-2010;

Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi ngày 4-4-2001;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công thương;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

……………………

ĐIỀU 12. VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG ĐIỆN

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi cản trở người có thẩm quyền kiểm tra việc sử dụng điện.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Vô ý gây sự cố hệ thống điện của bên bán điện;

b) Tự ý cấp điện cho tổ chức, cá nhân bị ngừng cấp điện do vi phạm các quy định về sử dụng điện; vi phạm pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tự ý lắp đặt, đóng, cắt, sửa chữa, di chuyển, thay thế các thiết bị điện và công trình điện của bên bán điện;

b) Không thông báo cho bên bán điện biết trước 15 ngày khi có nhu cầu chấm dứt hợp đồng mua bán điện đối với trường hợp mua điện để phục vụ các mục đích khác ngoài mục đích sinh hoạt.

4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tự ý đóng điện dùng khi công trình sử dụng điện của bên mua điện chưa nghiệm thu; khi đang trong thời gian bị ngừng cấp điện do vi phạm các quy định về sử dụng điện, vi phạm pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường.

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Gây hư hại, tự ý di chuyển hệ thống đo đếm điện (kể cả tủ bảo vệ công tơ, các niêm phong và sơ đồ đấu dây);

b) Sử dụng các thiết bị với mục đích gây nhiễu làm hư hại thiết bị truyền số liệu, đo lường, bảo vệ của hệ thống điện.

6. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt.

7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

8. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi của khách hàng sử dụng điện lớn sau đây:

a) Không thực hiện chế độ sử dụng điện theo đúng mức yêu cầu của Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia trong trường hợp hệ thống bị hạn chế công suất; không có biện pháp bảo đảm tiêu chuẩn điện áp đã được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện;

b) Sử dụng trang thiết bị sử dụng điện, trang thiết bị đấu nối không đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn về an toàn điện để đấu nối vào lưới điện quốc gia;

c) Không thực hiện các lệnh thao tác của Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia;

d) Không thực hiện cắt điện, giảm mức tiêu thụ điện khi có yêu cầu của bên bán điện do sự cố bất khả kháng.

9. Phạt tiền đối với hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức như sau:

a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng dưới 1.000kWh;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 1.000kWh đến dưới 2.000kWh;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 2.000kWh đến dưới 4.500kWh;

d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 4.500kWh đến dưới 6.000kWh;

đ) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 6.000kWh đến dưới 8.500kWh;

e) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 8.500kWh đến dưới 11.000kWh;

g) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 11.000kWh đến dưới 13.500kWh;

h) Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 13.500kWh đến dưới 16.000kWh;

i) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 16.000kWh đến dưới 18.000kWh;

k) Phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 18.000kWh đến dưới 20.000kWh.

10. Đối với trường hợp trộm cắp điện từ 20.000kWh trở lên được chuyển hồ sơ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 nghị định này, nhưng sau đó có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án của cơ quan có thẩm quyền hoặc trả lại hồ sơ thì áp dụng thời hạn xử phạt quy định tại Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền quy định tại Điểm k Khoản 9 điều này và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điểm d Khoản 12 điều này.

11. Ngoài hình thức xử phạt chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện dùng để vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 5 và Khoản 9 điều này.

12. Ngoài các hình thức xử phạt chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 3 và Khoản 5 điều này;

b) Buộc nộp ngân sách Nhà nước toàn bộ số tiền bất hợp pháp có được đối với hành vi quy định tại Khoản 6 và Khoản 7 điều này;

c) Buộc sử dụng các thiết bị đáp ứng đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 8 điều này;

d) Buộc bồi thường toàn bộ số tiền bị thiệt hại đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 5 và Khoản 9 điều này.

(Lược trích nội dung Điều 12 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 17-10-2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2013). 

 

ĐẦU TƯ HỆ THỐNG NƯỚC NÓNG NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI QUY MÔ CÔNG NGHIỆP THEO MÔ HÌNH ESCO

 Công ty Dịch vụ Năng lượng (Energy Service Company Organization, thường được viết tắt: ESCO hoặc ESCo) là Doanh nghiệp thương mại chuyên thực hiện gói Dịch vụ năng lượng (bao gồm lập kế hoạch, xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo trì, tối ưu hóa, đóng góp tài chính ...).

Ngày nay, nhu cầu về những giải pháp tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường là rất lớn. Vấn đề thiếu vốn đầu tư và thiếu phương pháp tính toán hiệu quả đang là rào cản để doanh nghiệp áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng trong kinh doanh. Yêu cầu về một giải pháp toàn diện rất cấp thiết nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường này tại Việt Nam. Một trong những giải pháp ứng dụng nguồn năng lượng tái tạo đang thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp và dần được ứng dụng rộng rãi chính là giải pháp đun nóng nước bằng máy nước nóng năng lượng mặt trời quy mô công nghiệp.

Từ tháng 8/2014 đến tháng 12/2016, Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao Tổng công ty Điện lực miền Nam thực hiện Đề án thí điểm mô hình ESCO theo hình thức trực tiếp tham gia đầu tư vào các hạng mục công trình tiết kiệm năng lượng (Ưu tiên đối với doanh nghiệp sử dụng nước nóng trong sản xuất, cung ứng dịch vụ) theo nhu cầu của các doanh nghiệp.

Tổng công ty Điện lực miền Nam đã ký kết hợp đồng liên kết với Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Năng lượng Mặt trời Bách khoa (Solar BK) và được cấp giấy phép hành nghề tư vấn, thi công các công trình tiết kiệm năng lượng. Tổng công ty đã sẵn sàng nguồn vốn ban đầu là 15 (mười lăm) tỷ đồng để ký kết hợp đồng EPC đầu tư vào các dự án áp dụng giải pháp chuyển đổi từ sử dụng điện sang sử dụng năng lượng mặt trời (NLMT) để đun nước nóng, phục vụ cho nhu cầu dịch vụ hoặc sản xuất gia công chế biến sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy hải sản, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, ..v..v… tại 21 tỉnh/thành phố phía Nam thuộc khu vực quản lý kinh doanh điện của Tổng công ty Điện lực miền Nam /các Công ty Điện lực.

I. Mục tiêu:

Thực hiện theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012- 2015.

Nghiên cứu mô hình hoạt động của Công ty Dịch vụ Năng lượng (ESCO) trong một số các dự án cụ thể để đánh giá hiệu quả, những khó khăn, rào cản khi thực hiện để đưa ra các khuyến nghị, những giải pháp để giải quyết các vấn đề vướng mắc nhằm đạt được mục tiêu tiết kiệm năng lượng.

Thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp công nghệ thân thiện môi trường, tiết kiệm điện, góp phần đảm bảo cung cấp điện, bảo vệ môi trường và hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh, nâng cao dịch vụ khách hàng; Thúc đẩy mở rộng và phát triển thị trường Công ty Dịch vụ Năng lượng ở Việt Nam.

Tạo điều kiện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xem xét hình thành các ESCO độc lập theo mô hình ESCO trong thời gian với sự tham gia của các đơn vị trong EVN.

II. Đối tượng và phạm vi:

Đối tượng: Doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy hải sản, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp,..v..v…

Phạm vi triển khai: Địa bàn tỉnh Bình Dương.

Quy mô: Tổng dung tích nước nóng cung cấp dự kiến 150m3- 200m3/ngày.

III. Tiến độ:

Tiến độ chung: Từ tháng 8/2014 tới tháng 12/2016.

IV. Phương thức thực hiện:

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) làm chủ đầu tư và quản lý dự án từ giai đoạn chuẩn bị đến thực hiện, đưa dự án vào hoạt động hiệu quả theo đúng mục tiêu của Đề án.

EVN SPC liên kết với Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Năng lượng Mặt trời Bách Khoa (SolarBK) thông qua hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) để triển khai dự án.

EVN SPC có thể ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ năng lượng cho khách hàng theo các hình thức: Hợp đồng bảo đảm tiết kiệm; Hợp đồng chia sẻ tiết kiệm hoặc Hợp đồng cung cấp năng lượng.

V. Đăng ký khảo sát, tư vấn theo mô hình ESCO:

Khi có nhu cầu khảo sát, tư vấn theo mô hình ESCO, Khách hàng có thể liên hệ với các Điện lực trực thuộc Công ty Điện lực Bình Dương để đăng ký tham gia.