Quy định về kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên cạn lưu thông trong tỉnh
(BDO) Kể từ ngày 1-5-2018, Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 12-4-2018 của UBND tỉnh Bình Dương về việc quy định kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên cạn lưu thông trong tỉnh Bình Dương chính thức có hiệu lực. Quyết định nhằm siết chặt hơn nữa việc kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật để kiểm soát nguồn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Lực lượng chức năng tỉnh phát hiện, xử lý một trường hợp sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc
Quyết định này áp dụng đối với các cơ quan Nhà nước có liên quan đến hoạt động quản lý; tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm soát vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên cạn lưu thông trong địa bàn cấp huyện hoặc vận chuyển từ địa bàn cấp huyện này sang địa bàn cấp huyện khác trong tỉnh Bình Dương.
Theo Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND, động vật với mục đích giết mổ hoặc mục đích khác khi vận chuyển phải có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, không có triệu chứng lâm sàng của bệnh truyền nhiễm, áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.
Đối với động vật vận chuyển từ các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ đến các cơ sở giết mổ trong cùng địa bàn cấp huyện được kiểm soát bằng Giấy chứng nhận tiêm phòng vắc xin; động vật vận chuyển từ các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ đến các cơ sở giết mổ ở địa bàn cấp huyện khác được kiểm soát bằng Biên bản ghi nhận tình trạng vệ sinh thú y. Động vật vận chuyển từ các cơ sở, trang trại chăn nuôi tập trung đến các cơ sở giết mổ trong tỉnh được kiểm soát bằng Biên bản ghi nhận tình trạng vệ sinh thú y. Đối với động vật vận chuyển trong tỉnh với mục đích làm con giống chăn nuôi được kiểm soát bằng Biên bản ghi nhận tình trạng vệ sinh thú y. Trong biên bản phải thể hiện rõ tuổi, tính biệt (đực, cái), nguồn gốc, nơi vận chuyển đến và thời gian tiêm phòng vắc xin phòng bệnh của động vật. Đối với trường hợp áp dụng các biện pháp xử lý ổ dịch, chống dịch khi có dịch bệnh động vật xảy ra, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y kiểm soát việc vận chuyển động vật theo quy định, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y.
Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND quy định sản phẩm động vật ở dạng tươi sống, dạng sơ chế, chế biến khi vận chuyển trong tỉnh phải có nguồn gốc rõ ràng; bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y; bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về an toàn thực phẩm có liên quan. Riêng sản phẩm động vật dạng tươi sống phải qua kiểm soát giết mổ của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y. Ngoài ra, đối với sản phẩm động vật ở dạng tươi sống vận chuyển từ cơ sở giết mổ đến nơi kinh doanh, buôn bán, tiêu thụ (thân thịt, thịt mảnh) được kiểm soát bằng dấu kiểm soát giết mổ; trường hợp áp dụng các biện pháp xử lý ổ dịch, chống dịch khi có dịch bệnh động vật xảy ra: Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y kiểm soát việc vận chuyển sản phẩm động vật ở dạng tươi sống, dạng sơ chế, chế biến theo quy định, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y.
Có thể nói Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND nhằm siết chặt hơn nữa việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên cạn lưu thông trong tỉnh, góp phần kiểm soát tốt nguồn thực phẩm này, tạo an tâm cho người dân. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thời gian qua các cơ quan, ban ngành trong tỉnh đã kịp thời phát hiện, xử lý nhiều trường hợp chế biến, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có cơ quan chức năng cấp phép. Cụ thể như Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra hành chính cơ sở chế biến thực phẩm B.P. (KP.An Hòa, phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát) và phát hiện khoảng 750kg lòng heo đang được chế biến không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Toàn bộ số lòng heo được để tràn lan dưới nền nhà, khu vực chế biến gần nhà vệ sinh, khu vực phơi thành phẩm cũng không được che đậy cẩn thận. Ngoài ra, toàn bộ nước thải trong quá trình sản xuất được cơ sở này xả trực tiếp ra môi trường bên ngoài không qua xử lý. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu để phân tích tiếp tục làm rõ xử lý.
Trong năm 2017, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh phối hợp với các ngành chức năng phát hiện xử lý hàng chục trường hợp vi phạm các quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vận chuyển thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc. Các trường hợp bị phát hiện chủ yếu ở các khu chợ tự phát.
NHÓM P.V