Quy định trách nhiệm của Tổ thẩm định trong dự án Luật Đặc xá
(BDO)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Mùa A Vàng phát biểu thảo luận. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Sáng 7/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).
Các đại biểu cơ bản tán thành với các quan điểm, định hướng xây dựng dự án Luật, cho rằng đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định đối với người bị kết án phạt tù, do đó các quy định về đặc xá phải có sự khác biệt cơ bản so với các chính sách khoan hồng khác đang được giao cho các cơ quan tư pháp thực hiện. Tính chất đặc biệt này phải được thể hiện ở các nội dung chủ yếu là thẩm quyền, thời điểm, điều kiện, trình tự, thủ tục đặc xá.
Nhiều ý kiến góp ý về thời điểm đặc xá
Về thời điểm đặc xá, dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, quy định ba thời điểm đặc xá gồm nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước.
Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về thời gian, tần suất thực hiện đặc xá (3 năm hoặc 5 năm/đợt); đề nghị quy định cụ thể thời điểm đặc xá là ngày Quốc khánh 2/9, ngày Tết Nguyên đán hoặc ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4. Có ý kiến đề nghị làm rõ sự kiện trọng đại của đất nước gồm những sự kiện nào; căn cứ, mức độ nào để xác định sự kiện trọng đại của đất nước.
Về ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật “sự kiện trọng đại của đất nước gồm những sự kiện nào," Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các sự kiện trọng đại của đất nước diễn ra trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, rất đa dạng, do đó nếu quy định cụ thể trong dự thảo Luật có thể sẽ không bao quát hết.
"Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ ba thời điểm đặc xá như Luật hiện hành; không quy định thời điểm, tần suất đặc xá và không liệt kê cụ thể các sự kiện trọng đại của đất nước, mà giao Chủ tịch nước căn cứ các quy định của Luật và tình hình của đất nước ở từng thời kỳ để quyết định thời điểm đặc xá phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra" - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết khi trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật.
Nhiều đại biểu nhất trí quy định ba thời điểm đặc xá như dự thảo Luật. Đại biểu Trần Văn Quý (Hưng Yên) đồng tình về ba thời điểm đặc xá được quy định trong dự thảo Luật vì đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án, nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước.
"Với các chế định này, tôi đồng tình việc trong luật không quy định cụ thể về thời điểm đặc xá, không quy định tần suất thực hiện đặc xá, từ đó do Chủ tịch nước quyết định tùy tình hình đất nước cũng như thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung" - đại biểu Quý nói.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn còn những băn khoăn về quy định thời điểm đặc xá như trong dự thảo Luật. Theo đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình), sở dĩ nhiều đại biểu góp ý vào quy định này do hiện nay, theo quy định tại dự thảo về ba thời điểm đặc xá, ngày lễ lớn của đất nước đã có quy định tại Nghị định số 145/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Còn hai thời điểm sự kiện trọng đại của đất nước và sự kiện đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước thì chưa có văn bản nào quy định, và cũng chưa có giải thích cụ thể nên các đại biểu còn băn khoăn.
"Chúng tôi nhận thức rằng, theo quy định về thẩm quyền đặc xá, thời điểm đặc xá, nhưng không nhất thiết đến thời điểm đó phải thực hiện đặc xá, mà việc đặc xá hay không là do Chủ tịch nước quyết định. Và trong nhiều năm qua vẫn thực hiện như vậy. Do đó, tôi đề nghị nếu giữ nguyên ba thời điểm đặc xá này thì nên có cân nhắc về giải thích từ ngữ, để những quy định này rõ ràng" - đại biểu Mai Khanh cho biết.
Quy định cụ thể trách nhiệm của Tổ thẩm định liên ngành
Các đại biểu cũng đánh giá về một số điểm mới của dự thảo Luật so với quy định hiện hành. Đại biểu Trần Văn Quý (Hưng Yên) quan tâm đến nội dung trong dự thảo lần này có đưa ra quy định về nhiệm vụ của Tổ thẩm định liên ngành là tổ chức liên ngành gồm đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập để thẩm định danh sách, hồ sơ của người được đề nghị đặc xá.
Theo quy định trong dự thảo, Tổ thẩm định liên ngành tổng hợp kết quả thẩm định, lập biên bản thẩm định kèm theo danh sách người đủ điều kiện đặc xá, danh sách người không đủ điều kiện đặc xá để hoàn thiện danh sách, hồ sơ người đủ điều kiện đặc xá theo kết quả thẩm định và chuyển đến Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá.
"Đây là quy định mới so với luật hiện hành. Theo quy định tại Điều 15, 16 và 36 của dự thảo Luật, qua nghiên cứu, chúng tôi thấy trách nhiệm, nhiệm vụ của Tổ liên ngành này còn chưa rõ ràng, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là kết quả thẩm định của Tổ liên ngành sẽ là tư liệu, căn cứ mang tính đầu vào rất quan trọng để các cơ quan, thủ trưởng cơ quan lập hồ sơ trình hội đồng đặc xá. Trong dự thảo luật, qua nghiên cứu tôi thấy chưa có chế tài để kiểm soát và phê chuẩn kết quả của Tổ thẩm định này. Mà trong thực tiễn, việc nhầm lẫn, sai sót thường xảy ra ở khâu ban đầu" - đại biểu Trần Văn Quý cho biết.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nếu có thể sẽ cụ thể hóa ngay trong Luật Đặc xá những chế tài về kiểm tra, phê chuẩn kết quả thẩm định. Nếu không được trực tiếp trong luật thì đề nghị các văn bản hướng dẫn thi hành luật của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đảm bảo chặt chẽ để kết quả đảm bảo khách quan, minh bạch.
Về đối tượng được đề nghị đặc xá, một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng xét đặc xá cả với người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Một số ý kiến đề nghị không đặc xá với những đối tượng phạm vào các tội mà Bộ luật Hình sự quy định không được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng xét đặc xá cả với người được hoãn chấp hành hình phạt phạt tù, người đang thi hành án treo.
Về điều kiện được đề nghị đặc xá, dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, quy định điều kiện trong quá trình chấp hành án phạt tù được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên.
Góp ý về điều kiện đặc xá, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho biết đây là "điều luật trung tâm" của luật này. Theo thiết kế về kỹ thuật lập pháp, điều 11 dự thảo Luật quy định 2 nhóm đối tượng được đề nghị đặc xá là đối tượng đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn và tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn; đối tượng thứ hai là người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt. Tuy nhiên, có bất cập trong điều luật là khi quy định người "đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù" mà lại phải có điều kiện được xếp loại thi hành hình phạt tù là mâu thuẫn, không khả thi.
Tại hội trường, nhiều ý kiến cho rằng sửa đổi luật phải khắc phục được những hạn chế, bất cập sau hơn 10 năm thi hành Luật Đặc xá trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành. Ngoài ra, để đáp ứng điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, quá trình sửa đổi Luật Đặc xá cần quán triệt quan điểm tham khảo kinh nghiệm tốt của các nước trên thế giới./.
Theo TTXVN