Quy định quản lý hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh

Thứ năm, ngày 23/01/2014

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 35/2013/QĐ-UBND quy định quản lý hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Theo đó, các cơ sở chăn nuôi phải được xây dựng trong vùng quy hoạch khuyến khích phát triển chăn nuôi và phải được chấp thuận của chính quyền địa phương. Vị trí xây dựng cơ sở chăn nuôi phải ở dưới nguồn nước, cách điểm thu nước vào các nhà máy nước phục vụ sinh hoạt trên 1km, cách nguồn nước mặt tối thiểu 100m, cách nhà máy chế biến, giết mổ, chợ buôn bán tối thiểu 1km. Địa điểm xây dựng cơ sở chăn nuôi phải cách xa trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính. Chăn nuôi phải có chuồng trại nuôi nhốt gia súc, gia cầm cách biệt với nhà ở, không được thả rông gia súc, gia cầm trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng, không được làm chuồng ngay trên sông, mương, rạch công cộng. Không được nuôi chung gia súc với các loại gia cầm trong cùng một chuồng.

Quyết định cũng quy định, các trường hợp vận chuyển chất thải chăn nuôi đến nơi khác phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Các dự án chăn nuôi phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đăng ký cam kết bảo vệ môi trường theo quy định.

Đối với cơ sở chăn nuôi quy mô tập trung phải có hàng rào hoặc tường bao quanh bảo đảm ngăn chặn được người, động vật từ bên ngoài xâm nhập vào cơ sở; có khu hành chính (đối với quy mô lớn), nhà ở riêng biệt; có hố sát trùng cho người, phương tiện vận chuyển trước khi vào cơ sở và khu chăn nuôi; chuồng nuôi xây dựng phù hợp với loài vật nuôi, thoáng mát, dễ thực hiện vệ sinh tiêu độc sát trùng, khoảng cách giữa các dãy chuồng phải có lối đi thích hợp; môi trường của khu chăn nuôi phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y theo quy định.

Đồng thời, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc định kỳ, khi có dịch bệnh và sau mỗi đợt nuôi, xuất bán động vật. Bảo đảm thời gian để trống chuồng sau mỗi đợt nuôi, xuất bán động vật; có biện pháp diệt trừ loài gặm nhấm và côn trùng gây hại. Thức ăn, nước uống dùng trong chăn nuôi phải bảo đảm vệ sinh thú y theo quy định, có khu nuôi cách ly, khu xử lý động vật bệnh, chết, khu nhà kho chứa thức ăn, thuốc thú y, có nhà vệ sinh, thay quần áo cho công nhân và khách tham quan, có nội quy ra vào trại, có hệ thống sổ sách theo dõi việc xuất, nhập động vật, tình hình điều trị, tiêm phòng cho động vật...

Đối với chăn nuôi quy mô hộ gia đình, cá nhân phải có chuồng trại xây dựng phù hợp với loài vật nuôi và cách biệt với nơi ăn ở sinh hoạt gia đình. Con giống phải bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng giống vật nuôi theo quy định của pháp luật về giống vật nuôi, không mang mầm bệnh truyền nhiễm, đã được kiểm dịch và áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc. Thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc định kỳ, khi có dịch bệnh và sau mỗi đợt nuôi, xuất bán. Có nơi xử lý chất thải động vật bảo đảm vệ sinh thú y và vệ sinh môi trường. Đối với động vật nuôi phải được tiêm phòng bắt buộc vắc xin hoặc áp dụng các biện pháp tiêm phòng bắt buộc khác cho đàn vật nuôi.

Chủ chăn nuôi vịt chạy đồng cần phải khai báo về việc chăn nuôi và địa bàn chăn thả vịt cho nhân viên thú y cấp xã để được cấp sổ theo dõi và thực hiện tiêm phòng đầy đủ vắc xin cúm gia cầm theo quy trình hướng dẫn của cơ quan thú y. Khi di chuyển đàn vịt xuất nhập huyện, tỉnh phải khai báo với cơ quan thú y địa phương để được kiểm dịch theo quy định của pháp luật.

M.H