Quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản
(BDO) UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND về Quy định phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Theo quy định, đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản; các cơ quan Nhà nước và tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý, thu phí BVMT đối với khai thác khoáng sản. Phí BVMT đối với khai thác khoáng sản là nguồn thu ngân sách được thụ hưởng; cấp nào thu thì ngân sách cấp đó được hưởng 100% số phí thu được. Đồng thời, 100% phí BVMT đối với khai thác khoáng sản được sử dụng để hỗ trợ công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi thực tế diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản và các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản.
So với Quyết định số 25/2016/QĐ-UBND, khung giá thu phí BVMT đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương có điều chỉnh về mức thu và hệ số quy đổi (từ sản phẩm sang nguyên khai) một số loại khoáng sản; tăng hệ số tính phí theo phương pháp khai thác (hệ số K) từ1,05 lên 1,1.
Phí BVMT đối với khai thác khoáng sản phải nộp trong kỳ nộp phí được tính theo công thức: F = [(Q1 x f1) + (Q2 x f2)] x K; Trong đó: F là số phí BVMT phải nộp trong kỳ; Q1 là số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong kỳ nộp phí (m3) được xác định căn cứ vào tài liệu dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác hoặc căn cứ vào báo cáo đánh giá tác động môi trường và các tài liệu liên quan được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Q2 là số lượng quặng khoáng sản nguyên khai khai thác trong kỳ được xác định (tấn hoặc m3);f1 là mức phí đối với số lượng đất đá bốc xúc thải ra: 200 đồng/m3; f2 là mức phí tương ứng của từng loại khoáng sản khai thác (đồng/tấn hoặc đồng/m3); K là hệ số tính phí theo phương pháp khai thác (khai thác lộ thiên bao gồm cả khai thác bằng sức nước như khai thác cát, sỏi lòng sông): K = 1,1.
P.V