Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội

Thứ ba, ngày 08/02/2022

(BDO) Ngày 17-1-2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2022/NĐ- CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. (Nghị định này thay thế Nghị định 28/2020/NĐ-CP).

Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định một số điều khoản mới, cụ thể như sau:

Tại khoản 3, Điều 11 “Hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” được quy định với mức phạt từ 15.000.000 đồng - 30.000.000 đồng. (Nghị định 28/2022/NĐ-CP không quy định).

Tại điểm b Khoản 4 Điều 11 phạt tiền từ 50.000.000 đồng - 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.

Hành vi không thông báo bảng kê trả lương hoặc có thông báo bảng kê trả lương cho người lao động nhưng không đúng theo quy định bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng - 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng - 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, hoặc dùng vũ lực đối với người lao động là người giúp việc gia đình nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. (Nghị định cũ không quy định).

Ngoài ra ở nghị định này tăng nặng mức phạt tiền cụ thể như sau:

Tăng mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng lên đến 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi hoặc bóc lột sức lao động hoặc dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật (điểm a Khoản 2 Điều 14 Nghị định 12/2022/ NĐ-CP) và hành vi tuyển người dưới 14 tuổi vào học nghề, tập nghề, trừ những nghề, công việc được pháp luật cho phép (Điểm B khoản 2 Điều 14 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 17-1-2022.

SỞ TƯ PHÁP