Quy định mới về viễn thông: Xử lý tận “gốc” tin nhắn rác?
(BDO)
Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) vừa ban hành Thông tư số 25/2015/TT-BTTTT (Thông tư 25) về quản lý và sử dụng kho số viễn thông, có hiệu lực từ ngày 1-11-2015. Thông tư quy định cụ thể và rõ ràng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý và sử dụng kho số.
Việc kiểm soát đầu số tin nhắn ngắn sẽ giúp cho người tiêu dùng hạn chế nhận tin nhắn rác
Trách nhiệm của nhà mạng sẽ cao hơn
Lâu nay các nhà mạng (doanh nghiệp (DN) viễn thông) vẫn tự cấp số cho các DN nội dung (CSP) để làm số dịch vụ tin nhắn ngắn (SMS). Do được hưởng lợi khi dịch vụ tin nhắn phát triển nên các DN viễn thông chưa thực sự tích cực ngăn chặn triệt để, thậm chí là dè dặt khi đưa ra quyết định thu hồi các đầu số nhắn tin vi phạm. Trên cơ sở đó, Thông tư 25 quy định cơ quan quản lý nhà nước (cụ thể là Bộ TTTT) sẽ trực tiếp phân bổ đầu số tin nhắn (SMS) cho các CSP. Đây được xem là một bước tiến mới trong quá trình loại bỏ dần vấn nạn tin nhắn rác.
Ông Phan Thanh Nam, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông, Sở TTTT cho biết, do không trực tiếp phân bổ số cho các CSP, cơ quan quản lý nhà nước khó phát hiện hoặc mất thời gian phát hiện CSP vi phạm để xử lý kịp thời. Điều này dẫn đến tình trạng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo… vẫn chưa được xử lý một cách căn bản. Qua những quy định mới, giữa các CSP và nhà mạng sẽ bình đẳng hơn, trách nhiệm ngăn chặn tin nhắn rác sẽ cao hơn.
Bên cạnh đó, Thông tư 25 cũng quy định các đầu số tư vấn dịch vụ miễn phí (1800) và mất phí (1900) chỉ được tiếp nhận cuộc gọi đến; không sử dụng để gọi đi, để gửi và nhận tin nhắn. Quy định này xóa bỏ tình trạng lạm dụng trong sử dụng các đầu số 1800, 1900 làm số dịch vụ tin nhắn để nhắn tin quảng cáo, nhắn tin lừa đảo, gọi điện tới các thuê bao di động để câu kéo người sử dụng gọi lại nhằm thu tiền với giá cao, gây ra rất nhiều bức xúc của người sử dụng trong thời gian qua.
Người sử dụng sẽ không bị thu hồi sim vô cớ?
Theo quy định, khi nhà mạng tiến hành thu hồi số thuê bao (còn gọi là sim) quá thời hạn lưu hành trên hệ thống thì phải thông báo cho khách hàng. Thông báo này được gửi đến khách hàng để họ có thời gian kích hoạt nếu có nhu cầu hoặc chuyển tài khoản của những sim này sang thuê bao khác nếu họ không còn nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay trong nhiều trường hợp, nhà mạng tự ý thu hồi sim của khách hàng mà không có thông báo.
Chị Cẩm Nhung (ở phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An) chia sẻ, theo quy định của Bộ TTTT thì thời gian nhà mạng lưu giữ số của thuê bao trên hệ thống sau khi thuê bao đã bị khóa 2 chiều là 30 ngày, sau thời gian trên số thuê bao sẽ được tái sử dụng. Nhưng trong một số trường hợp, người thân của chị khi chưa kịp nạp tiền vào tài khoản và chưa hết thời gian theo quy định nhưng sim vẫn bị nhà mạng thu hồi và không hề có một thông báo về việc thu hồi sim. Khi gọi điện hỏi tổng đài của nhà mạng thì được trả lời là có 1 tin nhắn thông báo của nhà mạng đã gửi đến thuê bao, nhưng thực tế người thân của chị không nhận được tin nhắn nào.
Về vấn đề này, Thông tư 25 quy định rõ, người sửdụng sim thực hiện hoàn trảlại sim cho DN viễn thông khi không còn nhu cầu sửdụng. Tuy nhiên, DN viễn thông vẫn có thể tiến hành thu hồi sim khi người dùng vi phạm các điều khoản quy định vềngừng cung cấp vàsửdụng dịch vụgắn với việc sửdụng sim trong hợp đồng sửdụng dịch vụhoặc đăng kýsửdụng dịch vụđãkýgiữa DN viễn thông với người sử dụng và các điều khoản do Luật Viễn thông quy định.
Ông Nam cho biết, bên cạnh những quy định chung, các nhà mạng đều có quy định riêng trong việc thu hồi sim tùy theo đặc thù từng gói cước. Để tránh việc bị thu hồi sim một cách đáng tiếc, người sử dụng nên đọc kỹ những yêu cầu của từng gói cước như thời gian kích hoạt dịch vụ, thời gian khóa 1 chiều, 2 chiều đọc kỹ thông báo của nhà mạng qua tin nhắn, đến các đại lý để phản ánh nếu bị khóa sim mà không rõ nguyên nhân...
KHÁNH ĐĂNG