Quy định mới về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại

Thứ bảy, ngày 18/01/2020

(BDO) Ngày 8-1-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Nghị định này quy định về Thừa phát lại, tổ chức hành nghề của Thừa phát lại; thẩm quyền, phạm vi, thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại; kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp và quản lý nhà nước về Thừa phát lại. Đồng thời, nghị định cũng quy định công việc Thừa phát lại được làm gồm: Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo quy định của nghị định này và pháp luật có liên quan; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định và pháp luật có liên quan; tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự.

Đáng chú ý, tại khoản 2 Điều 36 quy định về thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng và giá trị pháp lý của vi bằng có quy định: “Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác”.

Bên cạnh đó, tại Điều 37 quy định về những trường hợp không được lập vi bằng, trong đó có:

- Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động của công chứng, chứng thực...;

- Ghi nhận sự kiện, hành vi chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 24-2-2020 và thay thế Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24-7-2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP.Hồ Chí Minh; Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18-10-2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP.

SỞ TƯ PHÁP

Từ khóa: