Quy định mới về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức
(BDO) Ngày 13-8-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Nghị định gồm 4 chương 36 điều quy định về nguyên tắc, tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với CBCCVC. Theo đó, nghị định có một số quy định mới như sau:
1. Tiêu chí chung về đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC được khái quát thành các cụm tiêu chí, gồm: Chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống; tác phong, lề lối làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
2. Thay đổi các mức xếp loại chất lượng CBCCVC. Bên cạnh việc giữ nguyên các mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ thì Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đã sửa mức “hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực” thành “hoàn thành nhiệm vụ”.
3. Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá và xếp loại chất lượng đảng viên và thực hiện các chính sách khác đối với CBCCVC.
4. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC sẽ được thực hiện theo bộ tiêu chí mới, trong đó nổi bật là việc bỏ các tiêu chí liên quan đến sáng kiến, giải pháp, công trình khoa học... khi đánh giá, xếp loại CBCCVC ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cụ thể:
- Đối với cán bộ: Không yêu cầu phải “Có sáng kiến, giải pháp cụ thể được áp dụng, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các cơ quan, tổ chức hoặc của ngành, lĩnh vực được giao phụ trách và được cấp có thẩm quyền công nhận”.
- Đối với công chức: Không yêu cầu phải “Có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong hoạt động công vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền công nhận”.
- Đối với viên chức: Không yêu cầu phải “Có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận”.
5. Bổ sung thêm chế độ thông báo công khai về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác. Cấp có thẩm quyền quản lý CBCCVC quyết định hình thức công khai, trong đó ưu tiên áp dụng hình thức công khai trên môi trường điện tử.
Nghị định số 90/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-8-2020, thay thế Nghị định số 56/2015/ NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ quy định về đánh giá và phân loại đối với CBCCVC và Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27-7-2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/ NĐ-CP.
SỞ TƯ PHÁP