Quy định đăng ký khai thác nước, cấp lại giấy phép tài nguyên nước
Nước là nguồn sống và là một loại tài nguyên quý giá của con người. Sẽ không có sự sống nếu không có nước. Hiểu được tầm quan trọng của nước, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ ba đã thông qua Luật Tài nguyên nước quy định chặt chẽ về các vấn đề liên quan đến nguồn tài nguyên nước. Theo đó ngày 30-5-2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông qua Thông tư 27/2014/TT-BTNMT quy định về việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước. Thông tư này chính thức có hiệu lực từ ngày 15-7-2014.
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo thông tư này, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất bao gồm: Khu vực có mực nước dưới đất đã bị hạ thấp hơn mực nước hạ thấp cho phép do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định; khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm 3 năm liên tục và có nguy cơ hạ thấp hơn mực nước hạ thấp cho phép; khu vực bị sụt lún đất, biến dạng công trình do khai thác nước dưới đất gây ra; khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn nằm trong vùng có đá vôi hoặc nằm trong vùng có cấu trúc nền đất yếu; khu vực bị xâm ngập mặn do khai thác nước dưới đất gây ra; khu vực đồng bằng, ven biển có các tầng chứa nước mặn, nước nhạt nằm đan xen với nhau hoặc khu vực liền kề với các vùng mà nước dưới đất bị mặn, lợ; khu vực đã bị ô nhiễm hoặc gia tăng ô nhiễm do khai thác nước dưới đất gây ra…
Thông tư cũng quy định, căn cứ đặc điểm của các tầng chứa nước, hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất, yêu cầu quản lý của địa phương, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể mực nước hạ thấp cho phép, nhưng không vượt quá một nửa bề dày của tầng chứa nước đối với tầng chứa nước không áp, không vượt quá mái của tầng chứa nước và không được sâu hơn 50m tính từ mặt đất đối với các tầng nước có áp. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân có giếng khoan khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10 m3/ ngày đêm, giếng khoan khai thác cho sinh hoạt của hộ gia đình, cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học nằm trong các khu vực đã nêu ở trên và có chiều sâu lớn hơn 20m thì phải thực hiện việc đăng ký khai thác nước dưới đất.
Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố có trách nhiệm điều tra, đánh giá, xác định khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất; lập danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn. Đồng thời phải tổ chức công bố danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất đã được phê duyệt trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương, thông báo tới UBND cấp huyện, xã nơi có khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất.
Trình tự, thủ tục đăng ký khai thác nước dưới đất và các mẫu đơn, giấy phép, nội dung đề án, báo cáo trong hồ sơ cấp phép tài nguyên nước được quy định cụ thể tại Thông tư 27/2014/TT-BTNMT quy định về việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước.
M.H