Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường

Thứ năm, ngày 12/11/2015

(BDO) Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường, trong đó Nghị định quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát môi trường. Theo quy định, Cảnh sát môi trường có nhiệm vụ tham mưu, chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; được áp dụng các biện pháp công tác và các biện pháp nghiệp vụ để tổ chức phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Cảnh sát môi trường được yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật liên quan đến tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; được kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Đồng thời, Cảnh sát môi trường được tiến hành kiểm tra phương tiện, đồ vật, địa điểm có liên quan đến tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm khi có một trong các căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 7 Pháp lệnh Cảnh sát môi trường.

Cảnh sát môi trường trong khi thực hiện nhiệm vụ trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm hoặc tiếp nhận các vụ vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm do lực lượng khác chuyển giao thì tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Cảnh sát môi trường trực tiếp kiểm định hoặc phối hợp với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm định, giám định phục vụ xác minh, phát hiện, xử lý tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Nghị định trên cũng quy định rõ, các lực lượng khác khi thực hiện nhiệm vụ của mình mà phát hiện tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm nếu không thuộc thẩm quyền của mình thì có trách nhiệm thông báo, chuyển giao cho lực lượng Cảnh sát môi trường. Lực lượng Cảnh sát môi trường có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm hành chính cho lực lượng chuyển giao biết. Đối với vụ việc vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều lực lượng chức năng của các bộ, ngành, địa phương thì đơn vị nào phát hiện trước có trách nhiệm thụ lý hồ sơ và chủ trì việc xử lý hành chính.

P.V