Quy định chặt chẽ các điều kiện hoạt động dịch vụ kinh doanh đòi nợ
(BDO)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). (Ảnh: quochoi.vn)
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, chiều ngày 26/5 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).
Nhiều ý kiến đề xuất không cấm dịch vụ đòi nợ
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến các cơ quan của Quốc hội và Báo cáo của Chính phủ về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).
Về việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết do còn nhiều ý kiến khác nhau, UBTVQH trình hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định:
Phương án 1, giữ quy định như dự án Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Vì thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.
Phương án 2, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6 mà quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Đầu tư hiện hành. Vì việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Để hạn chế tiêu cực phát sinh, đề nghị cần bổ sung quy định điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ để bảo đảm quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) ủng hộ phương án cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ. Theo đại biểu Tiến, loại hình này đã biến tướng, đã gây bức xúc nhức nhối cho xã hội. Tuy nhiên, do quy định về Luật đầu tư hiện hành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuộc kinh doanh đầu tư có điều kiện nên nếu xóa bỏ sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới những đơn vị đang hoạt động. Trên cơ sở đó, đại biểu đề xuất phải đánh giá tác động chính sách, nghiên cứu bổ sung, hỗ trợ khi dịch vụ này chấm dứt hoạt động.
Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho, cả 2 phương án UBTVQH đưa ra đều rất khả thi. Nhưng tham khảo luật của một số quốc gia như Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, đại biểu cho rằng không nên cấm dịch vụ này. Từ đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị đổi tên, như một số quốc gia thường gọi là dịch vụ thu nợ hộ. Đồng thời, quy định chặt chẽ các điều kiện để hoạt động dịch vụ kinh doanh đòi nợ.
Trong khi đó, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) kiến nghị nên cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vì thực tế thời gian qua, đa số các loại hình đòi nợ thuê đều thiếu lành mạnh và phần lớn là các công ty đòi nợ thuê đều câu kết với các băng nhóm xã hội đen, đối tượng hình sự để đi đòi nợ.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa kiến nghị cơ quan soạn thảo cung cấp thêm thông tin về việc có bao nhiêu cơ sở dịch vụ đòi nợ thuê hoạt động đúng pháp luật, mức thuế đã đóng góp của các công ty loại này là bao nhiêu, có bao nhiêu vụ phạm tội do những hành vi đòi nợ thuê gây ra, bao nhiêu vụ tạt chất bẩn vào nhà con nợ và có bao nhiêu đơn thư trình báo về việc bị đe dọa tính mạng hay tấn công có liên quan đến đòi nợ thuê.
Bổ sung quy định cấm đầu tư kinh doanh "bào thai"
Về việc bổ sung một số ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: UBTVQH tiếp thu, bổ sung quy định cấm đầu tư kinh doanh "bào thai" để phản ánh đầy đủ nội dung cấm của ngành, nghề “Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người”. Đồng thời, đối với dịch vụ điều tra là một ngành trong hệ thống các ngành kinh tế Việt Nam khác với điều tra hình sự là nhiệm vụ của cơ quan công an, tư pháp; theo quy định của Bộ luật Dân sự, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; một số hoạt động (như thải hóa chất độc hại ra môi trường, xâm phạm bí mật cá nhân, buôn lậu, kinh doanh hàng giả...) không phải là ngành, nghề kinh doanh mà là hành vi vi phạm pháp luật đã được quy định xử lý theo pháp luật về hành chính, hình sự, dân sự.
Thảo luận về vấn đề này, nhiều ý kiến đại biểu đồng tình và đề nghị bổ sung quy định cấm đầu tư kinh doanh "bào thai" để phản ánh đầy đủ nội dung cấm của ngành, nghề mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người tại điểm đ khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật.
Về hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư, UBTVQH nêu rõ, để bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, đổi mới hình thức, điều kiện và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định về ưu đãi đầu tư theo hướng quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư để bảo đảm hiệu quả, chất lượng của việc thực hiện chính sách này như áp dụng ưu đãi có thời hạn, theo kết quả thực hiện dự án, nhà đầu tư phải bảo đảm đáp ứng điều kiện ưu đãi trong thời gian được hưởng ưu đãi....Đồng thời, bổ sung hình thức ưu đãi khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế./.
Theo dangcongsan.vn