Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm học 2009-2010: Nhiều điểm mới
Theo kế hoạch, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2009-2010 được tổ chức vào đầu tháng 6. Về cơ bản quy chế thi tốt nghiệp năm nay được thực hiện như năm học trước nhưng vẫn có một số điểm mới vừa được Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) sửa đổi bổ sung.
Kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm nay hứa hẹn thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ như năm học trướcKỳ thi tốt nghiệp năm nay vẫn được tổ chức thi theo cụm trường, nhưng đối với các trường ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn chia cắt, giao thông không thuận tiện, điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn, Sở GD-ĐT lựa chọn phương án tổ chức thi và báo cáo giải trình với Bộ GD-ĐT bằng văn bản. Trong mỗi cụm trường, danh sách thí sinh (TS) được sắp xếp theo các bước sau: Xếp theo môn thi ngoại ngữ (trừ TS giáo dục thường xuyên), thứ tự: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật và môn thi thay thế; xếp danh sách TS phải thi của mỗi môn thi ngoại ngữ và TS của giáo dục thường xuyên (nếu có) theo thứ tự A, B, C... của tên TS.
Đối với chủ tịch hội đồng coi thi có nhiệm vụ điều hành và chịu trách nhiệm về toàn bộ công việc của hội đồng coi thi; tổ chức cho các thành viên của hội đồng coi thi và TS học tập quy chế, nắm vững và thực hiện các quy định về kỳ thi của các cấp quản lý giáo dục; phân công giám thị phòng thi bảo đảm khách quan, chặt chẽ, thực hiện nguyên tắc: hai giám thị trong một phòng thi phải là giáo viên dạy khác trường; giám thị không coi thi quá một môn đối với mỗi phòng thi; hai giám thị không cùng coi thi quá một lần; xem xét, quyết định hoặc đề nghị áp dụng hình thức kỷ luật đối với những người vi phạm quy chế thi và các quy định về kỳ thi của các cấp quản lý giáo dục.
Nhiệm vụ của giám thị ngoài phòng thi theo dõi, giám sát TS và giám thị trong phòng thi thực hiện quy chế thi tại khu vực được chủ tịch hội đồng phân công; thực hiện một số công việc cần thiết phục vụ nhiệm vụ coi thi do chủ tịch hội đồng phân công.
Những thay đổi liên quan đối với TS cũng được Bộ GD-ĐT xem xét đến. Đối với phần tự chọn (nếu có) trong đề thi, TS chỉ được làm bài một trong hai phần tự chọn; nếu làm bài cả hai phần tự chọn thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm cả hai phần tự chọn. Mọi TS đều có quyền xin phúc khảo bài thi nếu điểm bài thi thấp hơn điểm trung bình cả năm của môn học đó ở lớp 12 từ 1,0 điểm trở lên. TS phải có đơn xin phúc khảo bài thi trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày niêm yết công khai kết quả của kỳ thi. Điểm của bài thi được điều chỉnh khi điểm chấm phúc khảo chênh lệch so với điểm chấm lần trước từ 1,0 điểm trở lên đối với môn ngữ văn và từ 0,5 điểm trở lên đối với các môn thi khác.
A.SÁNG