Quy chế thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015: Có nhiều đổi mới
Sau một thời gian cân nhắc kỹ lưỡng, chiều 26-2, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố Quy chế thi THPT quốc gia năm 2015 và quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2015. Những băn khoăn, thắc mắc về sự đổi mới của một kỳ thi quốc gia nay đã được nêu cụ thể trong quy chế.
(BDO)
Thí sinh dự thi tuyển sinh tại Hội đồng thi Đại học Thủ Dầu Một năm 2014 Ảnh: H.THÁI
Kỳ thi 2 trong 1
Theo quy chế, kỳ thi THPT quốc gia nhằm lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ. Kỳ thi diễn ra từ ngày 1 đến 4-7. Thí sinh (TS) thi 8 môn: Toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học vàngoại ngữ. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, TS phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn do TS tự chọn trong các môn thi còn lại. TS không được học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không bảo đảm chất lượng được Giám đốc Sở GD-ĐT xem xét, quyết định cho phép chọn môn thi thay thế môn ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ TS dự thi 4 môn và đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh do trường ĐH, CĐ quy định.
Kỳ thi THPT quốc gia được bộ tổ chức theo cụm thi cho TS của ít nhất 2 tỉnh, thành phố, do trường ĐH chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT; cụm thi cho các TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT: Tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH. Đề thi bảo đảm phân loại được trình độ của TS, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh ĐH, CĐ).
Tuyển sinh ĐH, CĐ có nhiều đổi mới
Cũng trong ngày 26-2, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi, trong đó có ít nhất 1 trong 2 môn toán và ngữ văn để xét tuyển; các môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của chuyên ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành. Đối với trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả thi của ít nhất một môn văn hóa kết hợp với kết quả các môn thi năng khiếu để xét tuyển. Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.
Căn cứ để xét tuyển là trường lấy kết quả thi của TS dự thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số TS được tuyển thẳng, Hội đồng tuyển sinh trường xem xét, quyết định phương án điểm trúng tuyển. Các trường có thể xây dựng phương án điểm trúng tuyển chung cho toàn trường hoặc cho từng ngành, nhóm ngành của trường.
TS sẽ được phát 4 phiếu kết quả thi. TS dùng bản chính giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng 1 để đăng ký. TS đã trúng tuyển nguyện vọng 1, không được đăng ký xét tuyển ở các đợt xét tuyển tiếp theo. Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, TS được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác. Nếu sau đợt xét tuyển 1 chưa đỗ, TS dùng 3 bản chính giấy chứng nhận kết quả thi còn lại để xét tuyển các nguyện vọng bổ sung. Kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, TS không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo. TS chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu TS không bảo đảm các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.
H.THÁI