Quy chế phối hợp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh Bình Dương giữa Sở Tư pháp và Công an tỉnh
(BDO) Những năm gần đây, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp. Việc giả mạo chủ thể, làm giả giấy tờ với những thủ đoạn hết sức tinh vi đã gây khó khăn cho công chứng viên, người thực hiện chứng thực trong quá trình tiếp nhận, kiểm tra, giải quyết hồ sơ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng, chứng thực.
Trước thực trạng đó, với vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về hoạt động công chứng, chứng thực, bên cạnh việc thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ kiểm tra, nhận dạng tài liệu, hồ sơ giả, giả mạo chủ thể cho đội ngũ công chứng viên, chuyên viên của các tổ chức hành nghề công chứng, công chức tư pháp hộ tịch cấp huyện, cấp xã, Sở Tư pháp đã chủ động xây dựng dự thảo Quy chế phối hợp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh Bình Dương giữa Sở Tư pháp và Công an tỉnh. Sau khi lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức có liên quan, ngày 6-4- 2018, Sở Tư pháp và Công an tỉnh chính thức ban hành Quy chế phối hợp.
Quy chế gồm có 3 chương, 8 điều quy định nội dung và cách thức phối hợp giữa Sở Tư pháp và Công an tỉnh trong các vấn đề: Trao đổi, cung cấp cho nhau các thông tin, tài liệu liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về công chứng, chứng thực; các hoạt động phục vụ công tác điều tra, xác minh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về công chứng, chứng thực; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công chứng, chứng thực; công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về công chứng, chứng thực; chế độ giao ban, hội họp.
Việc ký kết Quy chế phối hợp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh Bình Dương có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo ra sự thống nhất, kịp thời trong quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, vụ việc có dấu hiệu tội phạm liên quan đến công chứng, chứng thực. Qua đó, góp phần tăng cường sự chặt chẽ, hiệu quả trong công tác phối hợp, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của hai cơ quan trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về công chứng, chứng thực, bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
SỞ TƯ PHÁP