Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc: Góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định
(BDO) Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhiều DN ngoài Nhà nước thực hiện hoặc có thực hiện cũng chỉ mang tính hình thức.
Hiệu quả từ đối thoại
Nhiều năm nay, Công ty TNHH Diamond Việt Nam (KCN Mỹ Phước 1, TX.Bến Cát) được xem là điểm sáng trong việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN. Anh Lê Thanh Lâm, Chủ tịch Công đoàn công ty chia sẻ, công ty có trên 5.000 công nhân lao động (CNLĐ), lại chủ yếu là lao động nữ. Nếu không xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định thì rất dễ nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến đình, lãnh công.
Anh Lê Thanh Lâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty Diamond Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức đối thoại ở DN. Ảnh: T.THẢO
Cách mà công ty xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định là xây dựng nhiều “kênh” đối thoại tại DN. Cụ thể, công đoàn tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Ban Giám đốc và CNLĐ. Với hình thức tọa đàm theo định kỳ giữa Ban Giám đốc - Công đoàn - CNLĐ. Qua các buổi tiếp xúc, CNLĐ có điều kiện bày tỏ các thắc mắc về lương, thưởng, chế độ, tăng ca… Ngược lại, Ban Giám đốc cũng đưa ra những yêu cầu, mục tiêu cần CNLĐ đáp ứng… sao cho bảo đảm hài hòa lợi ích cho CNLĐ và DN. Song song đó, công đoàn thiết lập đường dây “nóng” để tiếp nhận đơn thư, ý kiến, bức xúc của CNLĐ. Sau đó, bộ phận xử lý thư sẽ xử lý thông tin thắc mắc, khiếu nại… phải bảo đảm trả lời đúng thời gian và có đánh giá mức độ hài lòng của CNLĐ.
Ông Lê Thanh Lâm, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Diamond Việt Nam đánh giá, việc tổ chức các buổi nói chuyện định kỳ không những giúp CNLĐ nắm được quyền, lợi ích cũng như trách nhiệm của mình mà còn giúp xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định trong DN. Nhờ đó, thời gian qua, công ty phát triển ổn định.
Ngoài Công ty TNHH Diamond Việt Nam, ở Công ty Cổ phần Sao Việt (KCN Đồng An), Công ty TNHH Hasoll Vina (KCN Sóng Thần 1, TX.Dĩ An)… cũng đang phát huy tốt mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định nhờ làm tốt công tác đối thoại trong DN.
Để QCDC đến với DN
Việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc, mà cụ thể là tổ chức đối thoại tại nơi làm việc rất quan trọng để có sự trao đổi, liên hệ giữa NSDLĐ và NLĐ với nhau, để có sự cảm thông, cùng nhau giải quyết những vướng mắc”. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều DN vẫn “ngó lơ” quy định này.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh về thực hiện QCDC ở cơ sở đánh giá, việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc sẽ hạn chế vi phạm pháp luật trong quản lý kinh tế, phát huy quyền làm chủ của NLĐ, góp phần hạn chế đình công, ngừng việc tập thể, bảo đảm sự phát triển của DN. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, QCDC trong các DN khu vực ngoài Nhà nước vẫn chưa được thực hiện đồng bộ và còn gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh chỉ có 112 DN tổ chức Hội nghị NLĐ; trong đó có 17 DN Nhà nước, 21 DN tư nhân và 74 DN FDI.
Chưa kể, nhiều DN tổ chức Hội nghị NLĐ nhưng mang tính chất đối phó vì khách hàng yêu cầu. Điển hình như ở Công ty Scancom, Khu công nghiệp Sóng Thần I, Hội nghị NLĐ được tổ chức nhưng chỉ mang tính “làm cho có”. Ông Nguyễn Lê Hạnh, Chủ tịch CĐ Công ty Scancom chia sẻ: “Hàng năm, công ty đều tổ chức Hội nghị NLĐ, tuy nhiên vai trò của công đoàn và CNLĐ rất mờ nhạt. Đây chỉ là 2 thành phần được mời lên nghe mà thường không được phát biểu ý kiến”.
Nguyên nhân của vấn đề này, chủ yếu là do công tác phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong tuyên truyền nâng cao nhận thức cho DN và NLĐ chưa hiệu quả. Công tác kiểm tra giám sát, hướng dẫn, nhắc nhở, quản lý DN trong thực hiện QCDC không được thực hiện thường xuyên. Ngoài ra, khi triển khai thực hiện Nghị định 87 của Chính phủ cũng đã bộc lộ một số nội dung chưa phù hợp, chưa sát với thực tế.
Vì vậy, thời gian tới, Nghị định 60/2013/NĐ-CP sẽ được đẩy mạnh thực hiện. Theo đó “NSDLĐ, NLĐ có nghĩa vụ thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định của Chính phủ”. Thực hiện tốt nghị định này sẽ góp phần tạo nên quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của DN và phát triển kinh tế bền vững của địa phương.
THU THẢO