Quỹ Bảo vệ môi trường Bình Dương: Đồng hành vì môi trường xanh
Bên cạnh những mặt tích cực, tiến trình phát triển nhanh đã để lại không ít hệ lụy về môi trường. Đó là khối lượng phát sinh và mức độ độc hại của chất thải ngày càng tăng, trong khi đầu tư cho việc cải thiện chất lượng môi trường chưa nhiều; vốn đáp ứng yêu cầu đầu tư, hỗ trợ cho bảo vệ môi trường (BVMT) còn hạn chế… Chính vì thế, Quỹ BVMT Bình Dương ra đời để giải quyết bài toán khó đó.
Đồng hành vì môi trường xanh
Bà Nguyễn Thị Trúc, Phó Giám đốc Quỹ BVMT Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương, cho biết xuất phát từ tình hình thực tế và yêu cầu về quản lý BVMT trong tiến trình phát triển của tỉnh theo hướng bền vững, Quỹ BVMT đã ra đời với chức năng là hỗ trợ tài chính cho các tổ chức, cá nhân có chương trình, dự án, hoạt động đầu tư cho lĩnh vực cải thiện và BVMT.
Sản xuất vật liệu xây dựng từ chất thải tái chế tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương. Ảnh: TH.TRÚC
Từ ngày thành lập đến nay, quỹ đã hỗ trợ tài chính cho 37 dự án với tổng vốn cho vay 83 tỷ đồng để đầu tư BVMT. Hầu hết dự án mang lại hiệu quả đáng kể, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BVMT. Thể hiện rõ nhất là các dự án đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý nước thải. Sau khi đưa vào hoạt động, ước tính tổng công suất hoạt động của hệ thống xử lý gần 10.000m3 nước thải/ngày đêm và 11 dự án mua xe thu gom và vận chuyển rác thải với tổng công suất hoạt động ước tính 185 tấn/ngày. Bà Trúc cho biết thêm hiệu quả từ Quỹ BVMT đã góp phần giảm thiểu lượng nước thải đáng kể khi thải ra môi trường, góp phần tăng năng suất thu gom, bảo đảm vận chuyển rác thải kịp thời không ứ đọng rác, không gây ô nhiễm môi trường, giúp doanh nghiệp ổn định trong sản xuất, kinh doanh và tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp trên đường phố cũng như khuôn viên.
Với phương châm “Quỹ BVMT Bình Dương đồng hành cùng bạn vì một môi trường xanh”, trong thời gian tới, Quỹ BVMT sẽ chủ động, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn quỹ. Tuy nhiên, theo bà Trúc, Quỹ BVMT tiếp cận doanh nghiệp và ngược lại doanh nghiệp muốn được tiếp cận nguồn quỹ, trên cơ sở phải bảo đảm các yếu tố đúng đối tượng hỗ trợ tài chính được quy định tại Nghị định 04/2009/NĐ-CP ngày 14-1-2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động BVMT (chi tiết được quy định rõ tại điều lệ hoạt động và quy chế hỗ trợ tài chính của quỹ đã công bố trên trang web của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương). Ngoài ra, các doanh nghiệp phải có chương trình, dự án khả thi, bảo đảm các thông số về BVMT cho từng loại hình được hỗ trợ vốn như tài trợ và đồng tài trợ, đồng thời với hỗ trợ lãi suất vay, cho vay với lãi suất ưu đãi và có tài sản bảo đảm tiền vay đối với loại hình hỗ trợ là cho vay với lãi suất ưu đãi.
Kết quả đạt được chỉ là bước đầu, Quỹ BVMT Bình Dương vẫn gặp một số khó khăn. Bà Trúc chia sẻ khó khăn lớn nhất là chưa có văn bản, thông tư nào hướng dẫn cụ thể về việc hoạt động của các Quỹ BVMT. Cùng một mô hình hoạt động là tổ chức tài chính Nhà nước nhưng cơ chế tài chính lại không đồng nhất, từng tỉnh có quỹ hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu, có quỹ hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp Nhà nước. Bên cạnh đó, khung pháp lý cũng chưa được Chính phủ ban hành đồng nhất, mỗi địa phương tự xây dựng và hoạt động theo những quy định riêng… Chính vì thế đã gây khó khăn cho quá trình hoạt động của quỹ.
Định hướng cho tương lai
Khắc phục khó khăn hiện tại, trao đổi với chúng tôi, bà Trúc cho rằng, Quỹ BVMT Bình Dương đã đề ra những định hướng hoạt động trong tương lai, trong đó đáng lưu ý nhất là tập trung tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, tranh thủ tham gia lồng ghép vào các hội thảo, các chương trình nhân các sự kiện xoay quanh công tác BVMT trên địa bàn tỉnh và tiếp cận nguồn quỹ đến các doanh nghiệp. Thêm vào đó, quỹ sẽ tham mưu lãnh đạo ban hành quy chế với những điều kiện và tiêu chí hỗ trợ tài chính riêng cho các hộ kinh doanh cá thể chăn nuôi theo kiểu hộ gia đình, các làng nghề gây ô nhiễm môi trường, để dần dần bảo đảm các hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh đều được tiếp cận và nhận được sự ưu đãi từ nguồn vốn BVMT.
Thế nhưng, để giải được bài toán khó trên cơ sở định hướng hoạt động trong tương lai, “Quỹ BVMT Bình Dương mong muốn Chính phủ xây dựng và ban hành cơ chế, quy chế quản lý tài chính, mô hình hoạt động cho các Quỹ BVMT địa phương thống nhất và quy chuẩn; xây dựng và ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn về việc bổ sung nguồn vốn hoạt động cho các quỹ từ các nguồn phí BVMT, tiền xử phạt và các nguồn vốn khác theo quy định pháp luật. Đối với các ngành có liên quan, cần quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện điều kiện về nguồn vốn kịp thời để quỹ hoạt động và tăng cường công tác phối hợp trong các hoạt động về BVMT”, bà Trúc nhận định.
Khi doanh nghiệp cần sự hỗ trợ về nguồn vốn cho hoạt động BVMT, có thể truy cập website của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương để lấy thông tin về hoạt động của Quỹ BVMT; hoặc doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp tại địa chỉ: Quỹ BVMT Bình Dương, 06 D11, Khu dân cư Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương. Điện thoại: 0650.834769, 3834770, 3834771, 3818817. Fax: 0650.3834771.
Quỹ BVMT Bình Dương có bố trí bộ phận nhân sự đón tiếp và tư vấn cho doanh nghiệp có nhu cầu tài chính để đầu tư BVMT. Bộ phân này sẽ hướng dẫn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý, thủ tục liên quan đến việc vay vốn hoặc nhận được sự hỗ trợ tài chính từ quỹ.
M.H