Quốc hội Việt Nam xác lập vị thế trong ngoại giao nghị viện thế giới
(BDO) Năm qua trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đối ngoại Quốc hội vẫn diễn ra sôi động với nhiều hoạt động song phương, đa phương, đưa đối ngoại Quốc hội “thăng hoa” cùng nền ngoại giao Việt Nam.
Bài viết trên số ra ngày 10/9/2021 của báo Thế giới trẻ (Junge Welt) của Đức về chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)
Thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, đối ngoại Quốc hội đã luôn là một kênh rất quan trọng, đóng góp cho sự phát triển chung của công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước.
Đặc biệt trong năm 2021, mặc dù là năm chuyển giao nhiệm kỳ Quốc hội, cùng với đó là những tác động lớn của đại dịch COVID-19, song đối ngoại Quốc hội không những vẫn đảm bảo được mạch phát triển mà còn diễn ra sôi động với nhiều hoạt động song phương, đa phương, qua đó nâng tầm công tác đối ngoại của Quốc hội, đưa đối ngoại Quốc hội “thăng hoa” cùng nền nền ngoại giao Việt Nam nói chung.
Vượt qua những trở ngại, ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong năm 2021, với việc tham dự ba hội nghị lớn quy mô toàn cầu và khu vực, cùng hàng chục hội nghị, cuộc họp liên nghị viện đa phương, Quốc hội Việt Nam đã cho thấy sự đổi mới nội dung, phương thức, phù hợp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Hoạt động của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế nghị viện đa phương được nâng tầm từ “tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm” lên từng bước tham gia “dẫn dắt, định hình luật chơi,” bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược của Việt Nam; khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các diễn đàn nghị viện đa phương, qua đó xác lập vị thế trong nền ngoại giao nghị viện thế giới.
Nâng cao vị thế Quốc hội Việt Nam
Trong các ngày từ 5-11/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu, Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với ông Magnus Brunner, Quốc vụ khanh Bộ Ứng phó với biến đổi khí hậu, Môi trường, Năng lượng, Sáng tạo và Công nghệ Áo, trong chương trình tháp tùng đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu tham dự WCSP5, hồi tháng 9/2021. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN).
Đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới các nước châu Âu sau Đại hội Đảng lần thứ XIII và sau khi Quốc hội kiện toàn nhân sự chủ chốt. Đây cũng là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trên cương vị mới.
Với lịch trình 5 ngày công tác tại 3 nước, 5 đối tác và tổng số hơn 70 hoạt động liên tục, trong đó có nhiều cuộc cấp cao và chương trình nghị sự phong phú, chuyến thăm đã khẳng định chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, thể hiện sự chủ động, tích cực và trách nhiệm; nâng cao vị thế của Việt Nam, đóng góp vào các nỗ lực ngoại giao chung của Đảng, Nhà nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Một trong những dấu ấn đậm nét của chuyến công tác là sự tham gia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo.
Hơn 2 ngày với khoảng hơn 20 hoạt động liên tục tại thủ đô Vienna (Áo), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã có chuyến tham dự WCSP5 ý nghĩa và hiệu quả, khẳng định sự chủ động, trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam vào các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương.
Do tác động của đại dịch COVID-19, WCSP5 được tổ chức thành hai phần: Hội nghị trực tuyến diễn ra hồi tháng 8/2020 và hội nghị trực tiếp tại Áo diễn ra ngày 7-8/9/2021.
Là cuộc họp liên nghị viện quy mô lớn đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát với tham dự của hơn 110 đoàn các nước là thành viên và quan sát viên của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), sự kiện đánh dấu bước phát triển của ngoại giao nghị viện đa phương, trong đó IPU giữ vai trò tiên phong, cũng như sự đồng lòng của các quốc hội/nghị viện trên thế giới trong thúc đẩy hành động, thể hiện vai trò dẫn dắt của nghị viện trong bối cảnh thế giới đối mặt với thách thức của đại dịch COVID-19.
Nhấn mạnh Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới là hoạt động nghị viện đa phương cấp cao nhất, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Áo Nguyễn Trung Kiên cho biết: “WCSP5 là sự kiện quốc tế lớn nhất, quy tụ đông đảo nhất các quốc gia tham gia với sự hiện diện của nhiều lãnh đạo nghị viện các nước. Chính vì vậy, đây là cơ hội để lãnh đạo nghị viện các nước tăng cường tiếp xúc song phương trong khuôn khổ hội nghị.
Trong bối cảnh đó, khi dịch COVID-19 tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, việc Chủ tịch Quốc hội ta tham dự Hội nghị cho thấy một quyết tâm rất cao của Đảng và Chính phủ Việt Nam, vừa nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì các hoạt động ngoại giao, kinh tế.”
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam dự họp Phiên toàn thể thứ hai AIPA-42, hồi tháng 8/2021. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN).
Tham dự WCSP5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chuyển tải thông điệp, hình ảnh về đất nước Việt Nam với một Quốc hội hành động, là quốc gia có trách nhiệm, chủ động, tích cực trong hợp tác đa phương, có chính sách đối ngoại rộng mở, khát khao phát triển, nỗ lực vươn lên trong đại dịch; đồng thời thể hiện sự coi trọng của Quốc hội và Việt Nam đối với WCSP5, với Nghị viện châu Âu và với nghị viện các nước đối tác.
Trong khuôn khổ hội nghị lần này, Đoàn Việt Nam đã nêu những đề xuất nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động và vai trò của IPU. Đó là tăng cường quan hệ đối tác ba bên Liên hợp quốc-IPU-Việt Nam; thúc đẩy sự tham gia thực chất hơn nữa tại các cơ chế họp nghị viện song song với các hoạt động của Liên hợp quốc.
Chủ tịch IPU Duarta Pacheco và Tổng Thư ký IPU Martin Chungong đều hoan nghênh những đề xuất này, đồng thời khẳng định Quốc hội Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong các hoạt động của IPU, sự phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký IPU và các Nghị viện thành viên.
Báo chí Áo đã có những nhận định, đánh giá cao sự tham gia của Đoàn Quốc hội Việt Nam tại WCSP 5. Trên trang Die Meinung (Áo), tác giả Khaled cho rằng, chuyến thăm và làm việc tại châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thể hiện thiện chí và mong muốn của Việt Nam nhằm góp phần bảo đảm hòa bình, tăng cường hợp tác đa phương và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Bài viết nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là luôn coi trọng và tích cực thúc đẩy các cơ chế hợp tác đa phương nhằm ứng phó những thách thức đối với toàn thế giới hiện nay.
Trách nhiệm, tích cực hợp tác liên nghị viện khu vực
Không chỉ thể hiện sự trách nhiệm, tích cực, chủ động hội nhập trên diễn đàn nghị viện đa phương thế giới, Quốc hội Việt Nam còn không ngừng nâng cao vị thế, tiếng nói của mình trong các diễn đàn nghị viện khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Quốc hội Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Quốc hội các nước củng cố hệ thống đa phương, thúc đẩy hợp tác hướng tới xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, tự cường và thịnh vượng.
Từ ngày 23-25/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 42 (Đại hội đồng AIPA-42) với chủ đề “Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025” do Quốc hội Vương quốc Brunei Darussalam chủ trì, theo hình thức trực tuyến.
Đây là hoạt động đối ngoại đa phương chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam trong nhiệm kỳ khóa XV.
Tham gia AIPA lần này, Việt Nam đã có những kiến nghị, đề xuất mang tính gợi mở, định hướng cho hoạt động của nghị viện thành viên trong khu vực, đặc biệt là các vấn đề được nhấn mạnh trong bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà, trong bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gợi mở một số vấn đề, để các nghị viện thành viên ASEAN có thể bàn bạc, trao đổi và tăng cường hợp tác với nhau.
Đó là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho chuyển đổi số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN; thu hẹp khoảng cách số; huy động các hình thức đầu tư phù hợp, kết hợp công tư, để xây dựng được một cơ sở hạ tầng số và phát triển hệ sinh thái số; tăng cường hợp tác trong việc xây dựng cơ sở pháp lý để đảm bảo an ninh mạng cũng như bảo mật thông tin cho từng cơ quan, từng đơn vị, từng cá nhân, qua đó xây dựng lòng tin số trong khu vực; chủ động ban hành nghị quyết và trao quyền cho Chính phủ những quyền chưa có trong tiền lệ, để linh hoạt hơn trong việc phòng, chống dịch bệnh.
Trong vấn đề phòng, chống COVID-19, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh làm sao phát huy được Quỹ Phòng, chống Covid-19 của ASEAN, sử dụng quỹ một cách hiệu quả nhất và phải có chiến lược về phòng, chống dịch bệnh trong ASEAN, hợp tác để chúng ta sản xuất, cung ứng và chia sẻ cũng như chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc và vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch.
Cho biết các nước, tổ chức quốc tế tham gia AIPA-42 đánh giá rất cao đối với các đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà nhấn mạnh: “Rất phấn khởi là đến giờ phút kết thúc bế mạc của Đại hội đồng, các phương án kiến nghị mà chúng tôi đã chuẩn bị đều được các đoàn bạn nhất trí và tiếp thu vào các nghị quyết cũng như văn kiện Đại hội đồng lần này.”
Có thể nói, việc tham dự AIPA-42 theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục thể hiện quan điểm của Quốc hội Việt Nam về việc thúc đẩy hợp tác giữa các nghị viện thành viên AIPA và các nước ASEAN về phòng, chống dịch COVID-19; chuyển thông điệp tới các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế về một Việt Nam không ngừng đổi mới, Quốc hội Việt Nam trách nhiệm, tích cực và chủ động đối với hợp tác liên nghị viện đa phương khu vực.
Từ 13-15/12, Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-29) với chủ đề ''Vai trò của nghị viện trong việc tăng cường khả năng phục hồi thời kỳ hậu COVID-19'' do Quốc hội Hàn Quốc đăng cai tổ chức, diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Tham dự Hội nghị APPF-29 có 150 đại biểu đến từ 23 nghị viện thành viên, khách mời và quan sát viên. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị và có hai bài phát biểu trực tuyến ghi hình tại hai phiên toàn thể.
Phát biểu của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam trong các phiên thảo luận của Hội nghị đã mang đến thông điệp và hình ảnh về đất nước Việt Nam đoàn kết, kiên cường trong dịch bệnh, khát vọng vươn lên; tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; phát huy vai trò của ngoại giao nghị viện, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Quốc hội Việt Nam trong ngoại giao nghị viện khu vực; về Quốc hội Việt Nam hành động, đổi mới, chủ động và trách nhiệm, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội về "Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á-Thái Bình Dương tới năm 2030" của APPF.
Đặc biệt, theo bà Lê Thu Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho thấy tầm nhìn chiến lược, sự cần thiết thúc đẩy mạnh mẽ vai trò của nghị viện và của APPF trong phục hồi sau COVID-19.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên toàn thể thứ nhất về các vấn đề chính trị và an ninh trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 29 (APPF-29) được tổ chức theo hình thức trực tuyến, sáng 14/12/2021. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN).
Xét từ góc độ đại biểu Quốc hội, với phương châm thúc đẩy ngoại giao nghị viện, bà Lê Thu Hà rất tâm đắc về ý tưởng đề xuất tăng cường ngoại giao nghị viện đa phương, tăng cường hành động nghị viện thông qua chức năng của Quốc hội nhằm ngăn ngừa các nguy cơ xung đột, tìm kiếm các giải pháp vì hòa bình, an ninh, góp phần hiện thực hóa những Kế hoạch, Tầm nhìn của APEC vì một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường, hòa bình, vì sự thịnh vượng của mọi người dân và các thế hệ tương lai.
Đáng chú ý, tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành APPF đã nhất trí đề cử Quốc hội Việt Nam tham gia Ban Chấp hành APPF trong nhiệm kỳ mới 4 năm, bắt đầu từ APPF-30 đến hết Hội nghị APPF-33. Điều này cho thấy sự tín nhiệm cao của các nghị viện thành viên đối với Quốc hội Việt Nam.
Cùng với ba hoạt động đa phương lớn trên, lãnh đạo Quốc hội và ủy ban của Quốc hội còn tham dự nhiều sự kiện nghị viện đa phương khác như Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF tháng 1/2021); Phiên họp 207 của Hội đồng Điều hành Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Đại hội đồng IPU lần thứ 142 với hình thức trực tuyến (tháng 5/2021); Hội nghị Ủy ban các vấn đề nghị viện trong khuôn khổ các hội nghị giữa kỳ của Liên minh Nghị viên Pháp ngữ (APF, tháng 5/2021); Hội nghị lần thứ 8 của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam về Khu vực Tam giác phát triển (9/2021); Diễn đàn An ninh-Tình báo Nghị viện lần thứ 18 (9/2021)...
Các hoạt động đa phương sôi động này đã góp một gam màu tươi sáng trong bức tranh ngoại giao nghị viện sống động, rực rỡ của Quốc hội Việt Nam trong năm 2021, đóng góp thiết thực vào chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương./.
Theo TTXVN