Kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2016):

Quốc hội Việt Nam - Những dấu ấn trưởng thành - Bài cuối

Thứ tư, ngày 06/01/2016

Bài cuối: Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội

(BDO)

 Đổi mới Quốc hội trong thời gian tới là cần thiết nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

 

Sự phát triển của Quốc hội là một quá trình liên tục kế thừa và không ngừng đổi mới. Trong ảnh: Quang cảnh kỳ họp lần thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: T.L

 Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội là một quá trình lâu dài và liên tục trong đó có không ít khó khăn, thách thức, vừa phản ánh nhu cầu cấp thiết phải khắc phục những thiếu sót, tồn tại, vừa phải phù hợp và đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Về các yếu tố thuận lợi, trước hết quá trình đổi mới gần 30 năm vừa qua đã giúp cho đất nước ta nói chung và Quốc hội nói riêng có được kinh nghiệm dồi dào trong quá trình tiến hành đổi mới. Thực tế cho thấy, qua mỗi lần sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội thì những kinh nghiệm và kiến thức về tổ chức và hoạt động của Quốc hội lại được tích lũy nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các lần sửa đổi tiếp theo. Những kết quả từ quá trình đổi mới của Quốc hội trong thời gian vừa qua đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân. Hiện tại, các hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp, đặc biệt là các phiên chất vấn, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và những đạo luật có nội dung quan trọng đều thu hút sự quan tâm sát sao của người dân. Các cử tri đều có chung mong muốn Quốc hội thực sự trở thành cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đại diện cho tiếng nói của người dân và ban hành những quyết định phù hợp với lợi ích chung của đất nước.

Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội luôn là một trong những trọng tâm trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI đã khẳng định chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Dự thảo các Văn kiện trình bày tại Đại hội XII của Đảng cũng tiếp tục ghi nhận chủ trương này. Trong tiến trình tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội được tiếp nhận những kinh nghiệm đổi mới của Quốc hội các nước có truyền thống nghị viện lâu đời. Những bài học kinh nghiệm đó là nguồn tham khảo quý giá để Quốc hội có thể nghiên cứu, tiếp thu phù hợp với điều kiện của nước ta.

Bên cạnh những thuận lợi kể trên, việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong thời gian sắp tới cũng gặp những thách thức nhất định, đó là: Trong cơ chế tổ chức quyền lực nhà nước theo nguyên tắc phân công, phối hợp và có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội đòi hỏi sự đồng bộ với sự đổi mới của các cơ quan nhà nước khác. Do vậy, để đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội một cách hiệu quả cần phải có sự đổi mới đồng thời của các chủ thể khác có liên quan. Với những nỗ lực đổi mới trong thời gian vừa qua, không gian để tiếp tục đổi mới Quốc hội trở nên hạn hẹp hơn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực lớn hơn để tạo ra những bước đột phá trong đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Những đòi hỏi của cuộc sống đối với Quốc hội ngày càng lớn hơn. Trong bối cảnh hiện nay, các biến động về kinh tế - xã hội ngày càng trở nên nhanh hơn đòi hỏi Quốc hội phải có những thay đổi một cách tương ứng. Hơn thế nữa, với sự phát triển của công nghệ thông tin, các cử tri ngày càng có nhu cầu và điều kiện thể hiện ý kiến của mình nhiều hơn vào quy trình ban hành các quyết định của Quốc hội. Điều này đặt ra yêu cầu Quốc hội phải có những đổi mới tương ứng để bảo đảm vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội phù hợp với yêu cầu của bối cảnh mới, các giải pháp cơ bản tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội bao gồm: Cần xác định rõ vị trí, vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện quyền lập pháp. Theo đó, nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước của nước ta đã được quy định rõ trong Hiến pháp năm 2013: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Theo nguyên tắc này, Quốc hội là cơ quan lập pháp, có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan thực hiện quyền hành pháp và tư pháp. Do vậy, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội phải tập trung làm rõ phạm vi quyền lập pháp của Quốc hội trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước khác. Việc phân định rõ phạm vi thẩm quyền của các cơ quan nhà nước là cơ sở để Quốc hội và các cơ quan tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, tránh xảy ra sự mâu thuẫn, chồng chéo hoặc lỗ hổng trong việc thực hiện quyền lực nhà nước. Đồng thời, những nguyên tắc phân định phạm vi thẩm quyền giữa các cơ quan cũng là cơ sở để thực hiện việc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan được nhuần nhuyễn và thông suốt.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo đảm tính hợp hiến của các quyết định của Quốc hội là một trong những yêu cầu quan trọng, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện được mục tiêu này, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế tự giám sát giữa các cơ quan của Quốc hội trong quá trình ban hành các quyết định của Quốc hội, cần nghiên cứu để tạo ra cơ chế kiểm soát giữa Quốc hội với các cơ quan hành pháp và tư pháp. Bên cạnh đó, việc kiểm soát của nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội cũng cần được tăng cường. Thông qua việc lựa chọn các đại biểu Quốc hội trong các kỳ bầu cử; tham gia góp ý, kiến nghị vào các quyết định của Quốc hội; giám sát hoạt động của các đại biểu Quốc hội… người dân sẽ góp phần bảo đảm các quyết định của Quốc hội phù hợp với các quy định của Hiến pháp, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Bên cạnh đó là việc nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, hoàn thiện cơ chế bầu cử để qua đó có thể giới thiệu, lựa chọn và bầu được những đại biểu Quốc hội xứng đáng là người đại biểu của nhân dân; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về Hội đồng bầu cử quốc gia để bảo đảm chất lượng của các cuộc bầu cử; tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu sự xung đột lợi ích trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đại biểu, trong đó có việc hạn chế số lượng các đại biểu kiêm nhiệm; tăng hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và ở các Đoàn đại biểu Quốc hội phù hợp với đặc điểm và yêu cầu tổ chức, hoạt động của Quốc hội nước ta.

Ngoài ra, cần tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri thông qua việc đổi mới cơ chế tiếp xúc cử tri, nhất là với các cử tri đã trực tiếp bầu ra đại biểu Quốc hội. Tăng cường sự giám sát của người dân đối với hoạt động của đại biểu Quốc hội, trong đó có việc ban hành quy trình, thủ tục để các cử tri có thể thực hiện quyền bãi nhiệm các đại biểu Quốc hội khi các đại biểu đó không còn nhận được sự tín nhiệm của nhân dân; tăng cường các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của các đại biểu Quốc hội, trong đó cần nghiên cứu việc xây dựng đội ngũ chuyên viên giúp việc cho các đại biểu Quốc hội; nghiên cứu xây dựng và ban hành chế độ, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu Quốc hội thực thi nhiệm vụ đại biểu của mình; tăng cường việc bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội, nhất là các kỹ năng giám sát, chất vấn, kỹ năng khai thác, sử dụng và phân tích thông tin…

 TRÍ DŨNG