Quốc hội Việt Nam - Những dấu ấn trưởng thành – Bài 3
(BDO) Bài 3: Tổng tuyển cử đầu tiên thành công
Để chuẩn bị cho công tác Tổng tuyển cử, các ban bầu cử đã được thành lập tới tận làng xã do các Ủy ban nhân dân các cấp trực tiếp đảm nhiệm. Nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử. Quần chúng trao đổi sôi nổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện của mình, hạn chế thấp nhất những phần tử cơ hội lợi dụng dịp Tổng tuyển cử để tranh giành quyền chức.
Ngày vui sướng của đồng bào
Tại Hà Nội, 118 Chủ tịch các Ủy ban nhân dân và tất cả các giới đại biểu làng xã công bố một bản kiến nghị: “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh được miễn phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới vì Cụ đã được toàn dân suy tôn làm Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đáp lại nguyện vọng trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư trả lời đồng bào như sau: “Tôi rất cảm động được đồng bào quá yêu mà đề nghị: tôi không phải ra ứng cử, đồng bào các nơi khác cử tôi vào Quốc hội. Nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên tôi không thể vượt qua khỏi thể lệ của cuộc Tổng tuyển cử đã định”. Ngày 5-1-1946, trước cuộc Tổng tuyển cử một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “… Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình…”.
Chủ nhật ngày 6-1-1946, từ sáng sớm, báo Sự Thật đã phát lời kêu gọi nhân dân “Tất cả hãy đến thùng phiếu”. Báo Quốc hội số đặc biệt ngày 6-1- 1946 đã dành khổ lớn trên trang nhất để in ảnh Chủ tịch cùng bút tích Lời kêu gọi của Người: Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu để bầu những người đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta”. Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bằng cả ý chí sắt đá của một dân tộc, quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được và bằng cả niềm vui sướng, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn ngày lịch sử - ngày 6-1-1946: toàn dân đi bỏ phiếu.
Cả 71 tỉnh, thành trong cả nước, có 89% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).
Một mốc son lịch sử
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn thành thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức, ấn định cho Việt Nam một Hiến pháp dân chủ. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.
Quốc hội Việt Nam ra đời vừa là thành quả, vừa là yêu cầu bức thiết của cách mạng. Quốc hội ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh dân tộc gay gắt. Đó là Quốc hội của độc lập, của thống nhất đất nước và của đại đoàn kết toàn dân. Quốc hội đã hội tụ các đại biểu của cả ba miền Bắc - Trung - Nam, là ý chí của nhân dân cả nước. Quốc hội đã có đại diện của tất cả thế hệ những người Việt Nam yêu nước đương thời, hội tụ đại biểu của tất cả các ngành, các giới, các giai cấp, tầng lớp xã hội từ công nhân, nông dân, nam giới, nữ giới cho đến những nhà tư sản, công thương gia, những nhân sĩ trí thức…
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại. Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, là “Kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”. (Còn tiếp)
Ông Phan Văn Đương, nguyên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 1997-2002: Một nhiệm kỳ có nhiều đổi mới với chất lượng nâng cao
Quốc hội khóa X, nhiệm kỳ 1997-2002, tôi giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy được phân công làm Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Dương. Thời kỳ này, trách nhiệm của người ĐBQH khá nặng nề. Giai đoạn này, Bình Dương mới tách tỉnh và phát triển mạnh về công nghiệp. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi thì hàng loạt vấn đề bức xúc phát sinh. Đó là vấn đề quy hoạch, giải tỏa đền bù... Tại các buổi tiếp xúc cử tri, người dân rất bức xúc.
Với vai trò Trưởng đoàn ĐBQH, tôi đã ghi nhận những ý kiến của cử tri. Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của tỉnh giải quyết thì tập hợp lại, kiến nghị các ngành liên quan sớm xem xét giải quyết. Cái nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì tập hợp lại để kiến nghị lên trên. Trong mỗi kỳ họp, Trưởng đoàn cũng xem xét những vấn đề chung, lớn để trình bày. Và mỗi vấn đề dự kiến trình bày phải được xem xét, nghiên cứu rất cẩn thận để “đánh đâu trúng đó”, đạt mục đích đề ra.
Có thể nói, Quốc hội khóa X có nhiều đổi mới, nhất là phần chất vấn và trả lời chất vấn. Thời kỳ này, chất vấn và trả lời chất vấn đã bắt đầu đi vào chiều sâu, đúng trọng tâm, đúng vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm. Trong nhiệm kỳ 5 năm, Quốc hội đã tiếp tục nâng cao chất lượng công tác lập pháp, đẩy mạnh công tác giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Với 32 luật và bộ luật, 39 pháp lệnh, Quốc hội khóa X đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân.
THU THẢO (ghi)
TRÍ DŨNG