Quốc hội thảo luận về tổ chức chính quyền đô thị Hải Phòng, thành lập TP Huế
(BDO) Ngày 21-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng.
Các đại biểu Quốc hội tại hội trường.
Ngày 21/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Tiếp đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; thảo luận ở hội trường về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; thảo luận về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng.
Theo đó, thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế. Cụ thể, thành phố Huế trực thuộc trung ương có 4.947,11 km2 và 1.236.393 người; có 09 đơn vị hành chính cấp huyện (02 quận, 03 thị xã, 04 huyện); có 133 đơn vị hành chính cấp xã (78 xã, 48 phường, 07 thị trấn); tỷ lệ đô thị hóa 63,02% (779.207 người/1.236.393 người).
Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương với trọng tâm là để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận là phù hợp với các chỉ đạo và định hướng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và đủ điều kiện áp dụng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 31 của Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đối với trường hợp thành lập đơn vị hành chính đô thị có yếu tố bảo tồn di sản.
Đối với dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng, mô hình tổ chức đề xuất như sau: Chính quyền địa phương ở quận, phường tại thành phố Hải Phòng là Ủy ban Nhân dân quận, phường và là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường (không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, phường).
Chuyển các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân quận và Hội đồng Nhân dân phường thực hiện trước đây sang Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng; Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận; Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Thủy Nguyên và Ủy ban Nhân dân phường thực hiện; đồng thời bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan này (tương tự Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đang thực hiện) để đảm bảo phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền đô thị./.
Theo TTXVN